Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Thông tin vừa được kênh truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đăng tải, dẫn nghiên cứu của các cơ quan chức năng. Theo đó rất nhiều vịnh, cửa sông tại khu vực tỉnh Chiết Giang đã bị ô nhiễm chất thải công nghiệp nặng, khiến lượng hải sản giảm mạnh.
Ngư dân Yueqing đánh bắt được toàn… rác thải công nghiệp
Chiết Giang có đường bờ biển dài tới 6500 km, cùng với 9 vịnh tự nhiên có tổng diện tích hơn 20km2. Tuy nhiên, chất lượng nước ở khu vực này hiện còn tồi tệ hơn cả cấp IV – cấp thấp nhất trong hệ thống thang đo của Trung Quốc, báo cáo Môi trường Trung Quốc 2012 do Bộ bảo vệ môi trường nước này vừa công bố khẳng định.
Vùng nước ngoài khơi biển Hoa Đông chính là nơi có chất lượng nước kém nhất trong số các vùng biển của Trung Quốc.
Xu Jianping, một nhà nghiên cứu tại Cơ quan hải giám quốc gia Trung Quốc cho biết hàm lượng đồng có trong bùn đất tại khu vực cảng Xiangshan, vịnh Leqing và tại cửa sông Jiulongjiang đã vượt tiêu chuẩn lần lượt 41%, 50% và 25%. Trong khi đó nước ở cửa sông Dương Tử và vịnh Hàng Châu đang có rất nhiều kim loại nặng cat-mi.
CCTV cho biết ngư dân tại các khu vực ngoài vịnh Leqing, gần Chiết Giang giờ rất khó tìm thấy hải sản do tình trạng ô nhiễm nặng, dù trước đây hải sản ở khu vực này rất dồi dào.
Năm 2012, Leqing là một trong 8 vùng bị ô nhiễm kim loại nặng nghiêm trọng nhất Trung Quốc theo ghi nhận của cơ quan chức năng.
Trong một đợt kiểm tra năm 2009 đối với các loài giáp xác tại 6 xã thuộc Leqing, 66,7% các loài giáp xác tại đây nhiễm ít nhất 3 kim loại nặng. Điều đó cho thấy hầu hết nguồn nước tại thành phố Ôn Châu đã bị ô nhiễm bởi hydrocarbon, cat-mi, chì, asen, DDT và đồng, ông Xu cho biết.
Nhiều năm qua, ngư dân địa phương đã phải từ bỏ thị trường hải sản. Họ cho biết chất thải từ các nhà máy công nghiệp, bao gồm nhà máy điện, xưởng đóng tàu và nhà máy hóa chất vẫn đang đổ ra vịnh.
Ngư dân Ying Tonghua cho biết rất khó tìm thấy cá tại vịnh Leqing. Ông khẳng định dù đã đi thuyền ra xa bờ suốt hơn 6 tiếng vẫn không thể tìm thấy con cá lớn nào.
Sau khi đã tới cả vùng biển sâu, tất cả những gì ông đánh bắt được là vài con cá lù đù vàng, cua nhỏ, những loài mà vài năm trước những ông sẽ ném chúng trở lại biển. Nhưng giờ ông phải đem về bán để bù lại chi phí nhiên liệu.
Theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, chất lượng nước tại các vùng nuôi trồng hải sản phải đạt cấp độ II.
Tình trạng ô nhiễm không chỉ đe dọa ngành đánh bắt cá xa bờ mà còn làm tổn thương cả ngành nuôi trồng thủy sản trong nước, Huang Zhuxian, một nông dân nuôi sò tại làng Dongmen, Leqing cho biết.
Theo người này, ông từng kiếm được khoảng 20.000 nhân dân tệ trên mỗi 667 m vuông đầm lầy, nhưng giờ ông chẳng còn có thể nuôi bất kỳ thứ gì. Đầu năm nay, ông đã mất trắng sau khi thả 300.000 con giống. Theo ông, đáng ngại nhất là rác thải kim loại và nguyên liệu từ một nhà máy quặng sắt đang đổ vào vùng đất của ông.
Ngoài thủy hải sản, ngành nông nghiệp cũng đã bị ảnh hưởng khi người dân cho biết đất cũng bị ô nhiễm. Zheng Haifei, một nông dân tại Dongmen thừa nhận không dám ăn hải sản và cũng thận trọng khi mua thực phẩm bởi các loại rau, củ đều được tưới bằng nước từ thượng nguồn.
Theo Dân trí