Trung Quốc đã hoàn thành tất cả các bước chuẩn bị để thực hiện đầy đủ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) cho biết hôm 6/11.
Trung Quốc hy vọng thỏa thuận này sẽ cải thiện đáng kể sự hội nhập kinh tế của Đông Á và muốn thực hiện đầy đủ càng sớm càng tốt, theo một tuyên bố của MOFCOM.
RCEP có thể thúc đẩy sự phục hồi của khu vực, củng cố chuỗi cung ứng và thúc đẩy phát triển kinh tế, MOFCOM cho biết thêm.
Trung Quốc đã hoàn thành tất cả các kế hoạch cần thiết để thực hiện cắt giảm thuế theo cam kết, điều chỉnh quy tắc xuất xứ hàng hóa và cập nhật hệ thống phần mềm tại cơ quan hải quan để đảm bảo việc cắt giảm thuế được diễn ra suôn sẻ, Yu Benlin, Tổng giám đốc Vụ Kinh tế và Thương mại Quốc tế của MOFCOM, cho biết.
Tổng cộng 166.000 doanh nhân, quan chức thương mại và hải quan Trung Quốc và các nhân viên liên quan đã hoàn thành khóa đào tạo về RCEP với hơn 600 buổi đào tạo và các khóa đào tạo trực tuyến, theo Global Times.
RCEP được thiết kế để loại bỏ tới 90% thuế quan đối với hàng hóa trao đổi giữa các bên ký kết trong vòng 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
FTA này được thiết lập để thúc đẩy đáng kể thương mại và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường rộng rãi hơn nhằm phục vụ các ngành tài chính, vận tải và du lịch, Yu cho biết.
MOFCOM và các cơ quan chức năng khác đã hoàn tất quá trình chuẩn bị cho việc thực hiện tất cả 701 nghĩa vụ ràng buộc liên quan đến Trung Quốc trong RCEP.
Trung Quốc sẽ có thể hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ của mình khi thỏa thuận có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, Yu cho biết.
FTA lớn nhất thế giới
Chính thức được ký kết vào ngày 15/11/2020, RCEP được coi là thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử, bao gồm gần 1/3 dân số và GDP của thế giới.
Đây là hiệp định có cơ cấu thành viên đa dạng nhất và tiềm năng phát triển kinh tế lớn nhất trên toàn cầu, theo Global Times.
15 quốc gia thành viên RCEP, bao gồm 10 nước ASEAN và 5 đối tác thương mại lớn của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia, có tổng dân số là 2,27 tỷ người và tổng GDP là hơn 26 nghìn tỷ USD. Tổng xuất khẩu của các nước RCEP đạt 5,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng kinh tế thế giới.
RCEP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi có ít nhất 6 thành viên ASEAN và 3 nước đối tác ngoài ASEAN phê chuẩn hiệp định.
Trong tuyên bố của MOFCOM hôm 6/11, Trung Quốc xác nhận rằng 10 quốc gia bao gồm Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia đã phê chuẩn RCEP vào đầu tháng này, trong khi các quốc gia còn lại đang đẩy nhanh quá trình phê chuẩn.
RCEP có tiềm năng thị trường rất lớn và sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng toàn cầu và khu vực, Yu nhận định.
RCEP dự kiến sẽ thúc đẩy mức tăng ròng 519 tỷ USD xuất khẩu và 186 tỷ USD thu nhập quốc dân cho các thành viên mỗi năm vào năm 2030, theo một ước tính được công bố bởi Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.
Việc các thành viên RCEP giảm thuế quan, mở cửa thị trường và giảm các rào cản sẽ tiếp thêm đáng kể sức sống cho dòng chảy của hàng hóa, công nghệ, dịch vụ, nhân sự và vốn.
Các ước tính trước đây cũng cho thấy rằng, chỉ riêng việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới thêm 1,4%.
Chính phủ Nhật Bản ước tính rằng RCEP sẽ nâng GDP của Nhật Bản lên khoảng 2,7% thông qua xuất khẩu nhiều hơn, Nikkei Asia đưa tin trong tuần này.
Minh Đức (Theo Global Times, Bloomberg)