Cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc hôm 29/9 khẳng định, Trung Quốc có khả năng hoàn toàn đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định cho mùa đông và mùa xuân sắp tới, đáp ứng nhu cầu hàng ngày và sưởi ấm của người dân, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) đưa tin.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) cũng đã công bố một số biện pháp giải quyết tình trạng thiếu điện ở nhiều nơi trên khắp cả nước, bao gồm tăng cường nhập khẩu và sản xuất than và khí đốt tự nhiên, nhấn mạnh cơ chế định giá nhiệt điện dựa trên thị trường, và lập kế hoạch sử dụng năng lượng một cách bền vững.
Tuyên bố của NDRC được đưa ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về tình trạng thiếu điện sau các đợt cắt điện bất ngờ và chưa từng có ở 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc, gồm Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh, dẫn đến gián đoạn cuộc sống hàng ngày của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
NDRC cho biết sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng liên quan trong việc tăng cường điều phối và ưu tiên nguồn lực cho vùng Đông Bắc để đảm bảo nguồn cung năng lượng đầy đủ và thông suốt trong khu vực.
Tiêu thụ năng lượng dân dụng chỉ chiếm dưới 20% tổng nguồn cung của Trung Quốc, trong khi khí đốt tự nhiên cho dân dụng chiếm chưa tới 50% tổng tiêu thụ khí đốt tự nhiên của đất nước, theo NDRC. Do đó, cơ quan hoạch định kinh tế khẳng định, Trung Quốc có khả năng và năng lực đảm bảo đầy đủ nguồn cung cho nhu cầu sử dụng điện của các hộ gia đình.
Nhằm tăng cường sản xuất điện và kiểm soát hiệu quả chi phí trong bối cảnh giá hàng hóa tăng cao, NDRC cho biết sẽ tăng cường nhập khẩu than và khí đốt và sản xuất trong nước, đồng thời thúc đẩy việc ký kết các hợp đồng cung cấp trung và dài hạn cho nhiệt điện than.
Tỉnh Sơn Tây, nhà sản xuất than lớn nhất Trung Quốc, hôm 29/9 đã ký các hợp đồng cung cấp than nhiệt trung và dài hạn cho quý IV với 14 tỉnh và khu vực, bao gồm các trung tâm công nghiệp Hà Bắc, Sơn Đông, Giang Tô và Chiết Giang, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã (Xinhua) đưa tin.
“Việc ký kết các hợp đồng than trung và dài hạn là một biện pháp hữu hiệu được áp dụng... nhằm ổn định cân đối cung cầu than và kiềm chế đà tăng quá nhanh của giá than”, Xinhua cho biết thêm.
Theo đó, các doanh nghiệp than có vốn nhà nước ở Sơn Tây sẽ đảm bảo nguồn cung cho Thiên Tân, Phúc Kiến, Hà Bắc, Liêu Ninh và Quảng Đông, trong khi Tập đoàn điện Jinneng sẽ chịu trách nhiệm về nguồn cung cho Quảng Tây, Giang Tô, Cát Lâm, An Huy, Thượng Hải, Chiết Giang...
Giá than nhiệt giao sau ở Trung Quốc đã tăng 50% trong tháng này. Giá than ở mức cao kỷ lục, trên 1.300 nhân dân tệ/tấn (tương đương 202 USD/tấn), trong phiên giao dịch ban ngày hôm 29/9, nhưng giảm hơn 3% trong phiên giao dịch ban đêm.
Số liệu chính thức cho thấy, Sơn Tây đã sản xuất 1,06 tỷ tấn than vào năm 2020, chiếm hơn 1/4 tổng lượng than cả nước. Tỉnh này đóng vai trò như một "trụ cột" trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước, Xinhua cho biết.
Nguồn cung thắt chặt đã buộc các khu vực trên toàn Trung Quốc phải hạn chế sử dụng điện năng, kìm hãm sản lượng công nghiệp, và khiến các ngân hàng phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Minh Đức (Theo Reuters)