Triều đình nhà Tống là triều đình nhu nhược vào loại nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc, đặc biệt là triều Nam Tống. Kỳ thực, nhu nhược hay không nhu nhược, người ta chỉ cần nhìn vào vị hoàng đế trị vì của triều đại đó thì cũng đủ biết.
Chẳng nói chuyện to tát như quốc gia đại sự, chỉ riêng chuyện hậu cung mà ba đời hoàng đế mà địch không lại một người phụ nữ, kết quả hoàng đế bị áp bức tới mức thần kinh. Hy vọng những hoàng đế như vậy có thể hồi phục Trung Nguyên khác gì trèo cây tìm cá.
Vợ của Tống Quang Tông tên gọi là Lý Phượng Nương, vốn là con nhà võ, vì thế tính cách vô cùng chua ngoa và đanh đá. Một người phụ nữ như vậy, vì sao lại được đưa vào hoàng cung? Nguyên nhân chỉ là một câu nói của vị đạo sĩ có tên là Hoàng Phủ Thản.
Khi lần đầu tiên nhìn thấy Lý Phượng Nương, Hoàng Phủ Thản giật mình nói: “Cô gái này có tướng đại quý, ngày sau nhất định sẽ trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ”.
Cha của Lý thị nghe thấy vậy, gật gù nói, chẳng trách, khi Lý thị sinh ra đời, có một con phượng hoàng màu đen bay tới nhà (có lẽ là một đám mây màu đen?). Hai người đàn ông có tuổi nhàn rỗi đã ngồi bàn với nhau tới nửa ngày về chuyện này.
Tống Quang Tông hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử vì sợ vợ
Những tưởng chuyện chỉ nói vậy cho vui, nào ngờ, mọi chuyện lại xảy ra đúng như những gì Hoàng Phủ Thản dự đoán. Vào những năm cuối thời kỳ trị vì của vua Cao Tông nhà Tống, Hoàng Phủ Thản được triệu vào cung để xem bệnh cho thái hậu.
Nhờ chữa được bệnh cho thái hậu, Hoàng Phủ Thản rất được Cao Tông tin sủng. Lúc bấy giờ, vua Cao Tông đang tìm vợ cho đứa cháu thừa tự của mình. Hoàng Phủ Thản biết chuyện liền tiến cử Lý Phượng Nương.
Hoàng Phủ Thản ba hoa một hồi về những điềm lạ khi Lý thị sinh ra đời, tán tụng đủ thứ từ nhan sắc tới tính cách của cô con gái nhà họ Lý. Cao Tông nghe lời Hoàng Phủ Thản, cho là thật, cảm giác như lấy được Lý thị là hoàng thất họ Triệu đã lấy được một con phượng hoàng. Lý Phượng Nương đúng là một con phượng hoàng, chỉ đáng tiếc, đó là một con phượng hoàng đen.
Thông thường, một “cô gái lọ lem” khi bước chân vào nhà giàu có sẽ ngại ngùng, không dám ăn, không dám nói, huống hồ đó là hoàng cung. Tuy nhiên, Lý Phượng Nương dường như chẳng biết sợ là gì. Vào cũng chưa được bao lâu, Lý thị mang thai rồi sinh con trai.
Vợ sang nhờ chồng, mẹ quý vì con, đến khi chồng được phong làm thái tử, Lý Phượng Nương càng thêm đắc chí. Tương lai, ta đã là đệ nhất phu nhân, vậy việc gì ta lại phải khiêm nhường nữa? Vì thế, trước mặt Cao Tông, Lý Phượng Nương quát mắng cả Hiếu Tông.
Trước mặt Hiếu Tông, Lý thị nũng nịu vạch tội cả thái tử, tức chồng mình. Trước mặt thái tử thì Lý Phượng Nương càng chẳng nể nang gì. Cứ như vậy, ba người đàn ông họ Triệu, một người là hoàng đế đã nghỉ hưu, một người là đương kim hoàng đế và một người là hoàng đế tương lai, bị một cô con gái nhà võ xoay như chong chóng.
Tới lúc này, Cao Tông mới như thức tỉnh: Lý Phượng Nương vốn là con gái nhà võ tướng, thiếu hẳn sự nền nếp gia giáo, Hoàng Phủ Thản làm hại ta rồi. Tuy nhiên, Cao Tông là phận ông, mà lại chẳng phải là ruột thịt vì Hiếu Tông chỉ là con nhận làm thừa tự của Cao Tông mà thôi, vì thế, vào lúc này nói điều gì cũng không thích hợp.
Cao Tông không thể nói nhưng ông bố chồng là Hiếu Tông thì nhịn không nổi nữa. Cô con dâu hoành hành bá đạo trong hậu cung, gây ra đủ chuyện thị phi, chẳng con 3 đời hoàng đế ra gì, làm sao có thể nhịn được?
Vì thế, một hôm, Hiếu Tông cho gọi con dâu tới dạy dỗ, nói: Con phải chịu khó học theo sự hiền đức của thái hậu đừng làm chuyện bậy bạ, khiến hậu cung thêm loạn nữa. Nếu không, ta sẽ phế tước vị thái tử phi của con.
Đáng tiếc, những lời của Hiếu Tông Hoàng đế không dọa được cô con dâu Lý Phượng Nương. Đợi tới lúc Hiếu Tông thoái vị, Lý Phượng Nương càng tác oai tác quái hơn. Cũng đúng, lúc ông tại vị, quyền sinh quyền sát trong tay ông, tôi còn không sợ, giờ ông đã về hưu, việc gì tôi phải sợ?
Một lần, Lý Phượng Nương nổi giận đánh một cung nữ. Thái hậu nhìn thấy, nhịn không nổi mới muốn khuyên Lý thị dừng lại. Lý Phượng Nương không những không dừng lại mà còn quay lại quát cả thái hậu: Ta và hoàng thượng kết làm vợ chồng, danh chính ngôn thuận. Nay ta thay hoàng thượng dạy dỗ nô tì trong nhà lại có gì sai hay sao?
Ẩn ý trong câu nói của Lý Phượng Nương là thái hậu vốn không phải là vợ cả của Hiếu Tông, vì thế, một người vợ bé thì không nên quản việc của nhà con dâu làm gì. Hiếu Tông Hoàng đế lúc đó đang đứng ở bên, nghe Lý Phượng Nương nói vậy thì giận lắm, nghiêm mặt cảnh cáo Lý thị:
Nếu tiếp tục làm càn như vậy thì ta sẽ phế bỏ ngươi! Thực tế, lúc đó, Hiếu Tông định làm thật chứ không phải là đùa giỡn. Bởi lẽ, ngay sau đó, Hiếu Tông cho gọi thái sư tới để thương lượng việc này.
Tuy nhiên, các đại thần trong triều đều khuyên rằng, việc trong nhà nên giải hòa chứ không nên phá bỏ như vậy, hơn nữa, vua Quang Tông chỉ vừa mới lên ngôi chưa được bao lâu, nay lại có chuyện phế bỏ hoàng hậu, sẽ không có lợi cho việc ổn định triều đình. Cũng vì thế, việc phế hậu tạm thời bị gác lại.
Chồng đã làm hoàng đế, tiếp theo, con trai phải trở thành thái tử. Bởi lẽ, chỉ có như vậy thì Lý Phượng Nương mới có thể yên vị với vị trí mẫu nghi thiên hạ của mình. Vì thế, Lý thị thúc giục chồng mình nhanh chóng quyết định việc lập thái tử.
Quang Tông đem chuyện này bàn với Hiếu Tông, có điều, Hiếu Tông nhất định không đồng ý. Lý Phượng Nương biết chuyện, giận tới tím mày tím mặt, chạy tới chất vấn Hiếu Tông: Tôi được họ Triệu các người mai mối rước về đàng hoàng, con trai tôi cũng là do hoàng đế sinh ra, lại là con trưởng vì sao không thể lập làm thái tử?
Bị con dâu trở mặt, mắng như tát nước, Hiếu Tông Hoàng đế giận tới mức không nói được câu nào. Phế bỏ cũng không được, trị tội cũng không được, không thể làm gì cô con dâu ngang ngược, Hiếu Tông rất buồn. Thế rồi uất ức, buồn tủi tích tụ lâu ngày không được giải tỏa, tới mức Hiếu Tông phát điên.
Cô con dâu ngang ngược tới như vậy, nguyên nhân chủ yếu là do con trai mình. Thông thường, đã là một vị hoàng đế, chúa tể cả thiên hạ thì việc gì phải sợ vợ, quá đáng quá thì phế bỏ, cưới một cô vợ mới là xong.
Tuy nhiên, Quang Tông trong suốt nhiều năm đã bị vợ “tẩy não”, coi chuyện “sợ vợ” như một phẩm chất tốt, không hề có ý phản kháng chứ đừng nói tới chuyện phản kích.
Một lần, khi đang rửa tay, Quang Tông phát hiện đôi tay của một cung nữ hầu mình vừa trắng lại vừa nõn nà, không kìm được lòng mới nhìn vài lần, khen ngợi vài câu và có lẽ cũng hôn một cái. Nào ngờ, mấy ngày sau, Lý Phượng Nương sai người mang tặng cho Quang Tông một cái hộp. Quang Tông vừa mở hộp ra xem thì suýt ngã ngửa vì bên trong hộp là một bàn tay còn bê bết máu tươi.
Quang Tông từ nhỏ đã được cưng chiều, có lẽ đến việc giết gà cũng không biết làm như thế nào, giờ nhìn thấy một bàn tay người đầy máu tươi như thế, làm sao không kinh hoàng cho được.
Quang Tông sau đó bị ốm một trận nặng, nằm liệt trên giường suốt nhiều ngày liền không dậy nổi. Một ông vua sợ vợ tới mức như vậy thì liệu còn có thuốc chữa hay không?
Tuy nhiên, chuyện đôi tay của cô cung nữ cũng chỉ là chuyện nhỏ, vì dẫu sao một cung nữ cũng chẳng có thân phận gì lớn lắm. Tuy nhiên, Quang Tông thì tới cả người thiếp yêu của mình cũng không bảo vệ nổi.
Một ngày nọ, Quang Tông chủ trì việc tế trời đất nên không thể về cung. Lý Phượng Nượng nhân lúc Quang Tông ở ngoài, mượn cớ giết chết Hoàng Quý phi, một người thiếp rất được Quang Tông sủng ái và còn kịp thời báo cáo với Quang Tông rằng:
Hoàng Quý phi đột tử! Quang Tông biết rõ, Hoàng Quý phi vì sao mà chết nhưng không dám nói, chỉ biết buồn buồn tủi tủi, khóc thầm một mình.
Có lẽ vì có một đứa cháu nhu nhược như vậy, liệt tổ liệt tông của họ Triệu cũng cảm thấy phần nào xấu hổ. Trong lần tế lễ hôm ấy, một loạt sự cố nảy sinh: Đầu tiên đài tế lễ bỗng nhiên phát hỏa, xém chút nữa thiêu chết cả Quang Tông.
Ngay sau đó, trời lại nổi giông bão, rồi lại mưa đá khiến buổi tế lễ của Quang Tông tan hoang, tơi tả như đi đánh trận thất bại trở về. Quang Tông trải qua những việc khủng khiếp do Lý Phượng Nương gây ra, bản thân đã khiếp hãi lắm rồi, nay lại bị thần linh trách mắng, càng nghĩ càng thấy sợ hơn.
Tinh thần ngày một suy sụp, chẳng bao lâu sau, Quang Tông cũng theo cha mình, mắc phải chứng bệnh thần kinh, cả ngày cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ. (Còn tiếp)
Phong Nguyệt