Volkswagen - ông lớn trong ngành sản xuất ô tô - đang chuẩn bị đẩy mạnh sản lượng ô tô điện trong năm tới, đánh dấu Trung Quốc là thị trường trọng điểm. Quyết định của Volkswagen không ngược chiều. General Motors đã chọn Trung Quốc làm nơi đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển xe điện. Cũng tại nơi đây, tập đoàn Renault-Nissan và Ford đang gấp rút thành lập liên doanh về loại xe được coi là tương lai của giao thông đô thị.
Các nhà sản xuất ôtô nhìn thấy rõ tương lai sáng của xe điện, mà tiềm năng lớn nhất ở Trung Quốc. Họ đang chuyển các trung tâm nghiên cứu và thiết kế quan trọng tới Trung Quốc, trong bối cảnh quốc gia này đang đầu tư mạnh vào các trạm sạc và nghiên cứu, khuyến khích các nhà sản xuất ôtô phát triển các phương tiện chạy pin.
Cuối tuần trước, quốc gia đông dân nhất thế giới nêu rõ và nhấn mạnh tham vọng phát triển xe điện, và tuyên bố cấm xe chạy xăng và diesel trong tương lai, dù chưa xác định chính xác thời điểm.
Nhưng những gì diễn ra trong quá khứ cho thấy, việc di chuyển trung tâm thiết kế và sản xuất xe điện tới Trung Quốc tiềm tàng một rủi ro lớn.
Từ tàu cao tốc đến tuabin gió, Trung Quốc từ lâu đã buộc các công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản chuyển giao công nghệ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới. Sau đó, các công ty nội địa sử dụng chính công nghệ được chuyển giao, cùng sự ủng hộ của chính phủ để cạnh tranh ngược lại các đối thủ nước ngoài.
Tương tự, Trung Quốc tham vọng các nhà sản xuất nước ngoài chia sẻ chuyên môn và công nghệ về xe điện. Nếu không, các nhà sản xuất nước ngoài phải đối mặt với áp lực lớn của chính phủ. Các quan chức cấp cao Trung Quốc đưa ra những quy định nghiêm ngặt, buộc các hãng xe như Volkswagen và GM phải bán xe năng lượng mới trong nước nếu họ muốn tiếp tục kinh doanh xe dùng nhiên liệu xăng, dầu.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ôtô phương Tây cũng có toan tính riêng. Họ biết những rủi ro, nhưng đổi lại nhiều cơ hội giúp họ đạt được nhanh hơn tham vọng về xe điện.
"Chúng tôi đang học tập lẫn nhau", Jochem Heizmann, Giám đốc điều hành Volkswagen tại Trung Quốc cho biết. "Việc này giúp chúng tôi phát triển nhanh hơn so với trước đây".
Theo kế hoạch được gọi là "Made in China 2025", Trung Quốc tham vọng trở thành quốc gia chiếm ưu thế trong một số công nghệ tương lai mới, như trí thông minh nhân tạo và robot. Các quan chức Trung Quốc cho rằng, việc thúc đẩy những ngành này giúp nền kinh tế Trung Quốc phát triển, và ít phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Sự phụ thuộc có thể làm lộ thông tin, dẫn đến rủi ro về an ninh quốc gia.
"Nhiều công ty đa quốc gia bắt đầu đáp ứng các chính sách của Trung Quốc, gây nguy hiểm cho ngành công nghiệp này, bên cạnh việc mất vô số công ăn việc làm và lợi ích kinh tế", ông Micheal Wessel, Ủy viên Ủy ban đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ.
"Chúng tôi không có bất kỳ lo ngại nào liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ", ông Matt Tsien, Chủ tịch GM tại Trung Quốc nói.
GM đã hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp ô tô Thượng Hải, mang đến thị trường Trung Quốc chiếc Chevrolet Volt và Buick Velite, 2 chiếc hybrid chạy cả nhiên liệu xăng và điện.
"Chúng tôi có một triết lý, rằng chúng tôi sản xuất xe ở nơi chúng tôi bán", ông Tsien nói.
Trong khi đó, Ford chỉ nói rằng sẽ tuân thủ tất cả các quy tắc về liên doanh của chính phủ Trung Quốc và sự hợp tác với Zotye Auto là bước khởi đầu. Renault-Nissan cho biết, họ liên doanh với Dongfeng, lấy tên là eGT. Liên doanh này sẽ sản xuất một chiếc xe điện hoàn toàn mới, và sản xuất tại nhà máy Dongfeng ở thành phố Shiyan, Trung Quốc. Honda cũng ấp ủ kế hoạch chế tạo một chiếc xe điện tại đây vào năm tới, còn Toyota dự tính sản xuất một chiếc plug-in hybrid.
Liên doanh không biến Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu về xe điện. GM, Volkswagen và nhiều nhà sản xuất khác từng chia sẻ công nghệ với các đối tác Trung Quốc về xe nhiên liệu truyền thống trong nhiều thập kỷ, và chính phủ hy vọng các nhà sản xuất ôtô nội địa có thể gây dấu ấn riêng nhưng không thể. Nhưng Trung Quốc không sẽ không từ bỏ.
Gao Feng Advisory - một công ty tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh - ước tính, Trung Quốc sẽ chi khoảng 15 tỷ USD vào năm 2020 để lắp đặt các trạm sạc cho xe điện. Tính tới nay, quốc gia này đã bỏ ra hơn 1 tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển, và tiếp tục tăng lên trong tương lai.
LMC Automotive - một công ty tư vấn toàn cầu - nhận định, doanh số bán xe chạy pin ở Trung Quốc có thể lên tới hơn 400.000 chiếc vào năm 2018, chiếm 2/5 doanh số loại xe này trên toàn cầu.
Nhìn chung, các nhà sản xuất ôtô lớn nhận thấy cơ hội ở thị trường ôtô lớn nhất thế giới trong tương lai, mà có thể bằng cả Mỹ và châu Âu cộng lại.
Các nhà điều hành đều nói rằng, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận rủi ro để tấn công vào thị trường tiềm năng Trung Quốc. Tại triển lãm ôtô Thượng Hải cuối mùa xuân năm ngoái, có hơn 190 mẫu xe điện khác nhau được trưng bày, dù phần lớn trong số đó thuộc dạng concept.
"Chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư hơn, và chúng tôi không hề quan tâm tới việc rủi ro chuyển giao công nghệ", ông Hubertus Troskam, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Daimler tại Trung Quốc cho biết. "Trung Quốc là thị trường thú vị và hấp dẫn nhất thế giới hiện nay".
Theo Zing