Thâm Quyến đang góp phần vào nỗ lực tăng cường khả năng tự cung tự cấp công nghệ cao của Trung Quốc bằng cách thành lập một sàn giao dịch chất bán dẫn và linh kiện điện tử trong bối cảnh các hạn chế thương mại của Mỹ.
Trung tâm Thương mại Quốc tế Mạch tích hợp và Linh kiện Điện tử có trụ sở tại khu kinh tế Qianhai (Tiền Hải), thành phố Thâm Quyến, đã đăng ký với cơ quan quản lý thị trường địa phương và nhận được giấy phép kinh doanh vào ngày 30/12.
Với số vốn ban đầu 2,1 tỷ nhân dân tệ (304 triệu USD), trung tâm này được tài trợ bởi 12 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, trong đó cổ đông lớn nhất là nhà sản xuất thiết bị viễn thông China Electronics Corp (CEC) và Quỹ đầu tư Thâm Quyến.
Trung tâm này được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều công ty tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử, bao gồm cả các nhà sản xuất và các nhà phân phối, trên toàn thế giới.
Sáng kiến thành lập trung tâm được đưa ra trong bối cảnh Mỹ thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc nhằm kìm hãm tham vọng đạt được sự tự chủ về công nghệ của Bắc Kinh.
Tháng trước, 30 công ty Trung Quốc, bao gồm cả Công ty công nghệ bộ nhớ Dương Tử (YMTC), đã bị chính phủ Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại vì lo ngại Bắc Kinh sử dụng công nghệ thương mại để hiện đại hóa quân đội.
Thâm Quyến, được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc, là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, bao gồm gã khổng lồ về trò chơi điện tử và truyền thông xã hội Tencent, nhà sản xuất máy bay không người lái DJI và các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei và ZTE.
Đây cũng là nơi đặt một nhà máy sản xuất chip lớn của Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế SMIC và tổ hợp sản xuất lớn nhất của công ty Foxconn tại đại lục.
Nguyễn Tuyết (Theo SCMP, laoyaoba.com)