Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu Lý Huy (Li Hui) đã kết thúc chuyến công du châu Âu kéo dài 12 ngày đưa ông đến Kiev (Ukraine), Warsaw (Ba Lan), Paris (Pháp), Berlin (Đức), trụ sở EU tại Brussels (Bỉ) và Moscow (Nga) với sứ mệnh làm rõ quan điểm của Bắc Kinh về cuộc xung đột ở Ukraine.
Các nhà quan sát cho rằng, mục đích chính của chuyến công du này, kết thúc cuối tuần trước, dường như là tìm kiếm điểm chung giữa Trung Quốc và châu Âu trong cách tiếp cận của họ đối với cuộc chiến, và trong khi các cuộc hội đàm của ông Lý ở các thủ đô châu Âu không có khả năng dẫn đến một lệnh ngừng bắn, chuyến đi đã giúp quảng bá Bắc Kinh với tư cách một nhà trung gian hòa giải trong cuộc xung đột.
Tín hiệu quan trọng nhất
Ông Lý Huy – một nhà ngoại giao kỳ cựu được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn để giám sát các nỗ lực kiến tạo hòa bình của Bắc Kinh – đã bắt đầu chuyến công du châu Âu của mình với điểm dừng chân đầu tiên là thủ đô Kiev, nơi ông đã gặp nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức chủ chốt khác.
Ông nói với người Ukraine rằng không có “liều thuốc chữa bách bệnh” cho cuộc chiến và kêu gọi tất cả các bên tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói với ông Lý Huy rằng Kiev sẽ không chấp nhận bất kỳ đề xuất nào về việc chấm dứt cuộc chiến liên quan đến việc mất lãnh thổ hoặc đóng băng cuộc xung đột, theo Bộ Ngoại giao Ukraine.
Chuyến công du của ông Lý diễn ra chưa đầy một tháng sau cuộc điện đàm rất được mong đợi giữa Tổng thống Zelensky và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Vị Đặc phái viên Trung Quốc, người từng là Đại sứ của Bắc Kinh tại Nga trong một thập kỷ, đã kết thúc chuyến đi của mình tại Moscow, nơi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hoan nghênh quan điểm “cân bằng” của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng.
Hai nước cũng cam kết tăng cường quan hệ và cải thiện thông tin liên lạc về một giải pháp chính trị cho cuộc chiến.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning hôm 29/5 cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục “khuyến khích cộng đồng quốc tế tìm ra những cách hiểu chung rộng rãi nhất” và đóng góp vào một “giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine”.
Là nỗ lực hòa giải ngoại giao thiết thực đầu tiên của Trung Quốc trong việc giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, chuyến công du của ông Lý một lần nữa thể hiện mục tiêu cơ bản của Trung Quốc là hướng đến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine và cho thấy thái độ nhất quán của Trung Quốc với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm lớn, ông Gao Jian, một học giả từ Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói với tờ Global Times hôm 28/5.
Nó cũng cho thấy Trung Quốc sẽ tham gia tích cực hơn vào các vấn đề quốc tế trong tương lai, đóng góp sức mạnh và giải pháp của mình cho thế giới, khi thế giới cần Trung Quốc, ông Gao nói.
Tín hiệu quan trọng nhất là các bên đó đang chấp nhận vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình, ông Cui Heng, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Nga của Đại học Sư phạm Hoa Đông, nói với Global Times.
Theo ông Cui, việc không có quan chức nào của Ukraine, Nga, EU hay Ba Lan từ chối gặp gỡ Đặc phái viên của Trung Quốc, cho thấy các bên dù không đạt được đồng thuận thì ít nhất cũng chấp nhận sự tham gia của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hòa bình.
“Bài tập làm quen”
Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh hài lòng với kết quả mà chuyến công du của ông Lý đạt được, nhưng họ cũng cảnh báo rằng không có khả năng sớm đạt được một thỏa thuận đột phá.
“Ông Lý Huy chỉ đóng vai trò tiền trạm, nghĩa là người đi trước mở đường cho sự tham gia lớn hơn, thực chất hơn của giới lãnh đạo Trung Quốc trong tương lai về môi giới hòa bình”, ông James Char, một nhà nghiên cứu của Chương trình Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết.
Ông cho rằng viễn cảnh cuộc chiến sớm kết thúc là “khó xảy ra” do những bất đồng giữa hai bên tham chiến về lãnh thổ và việc liệu có nên đóng băng xung đột hay không.
Ông Sourabh Gupta, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc-Mỹ ở Washington, cho biết kỳ vọng về chuyến thăm châu Âu của ông Lý là thấp và “ông ấy chắc chắn không đạt được những kỳ vọng này”, nhưng cũng không nên xem đó là một thất bại.
“Mục đích của chuyến đi không phải là mang lại kết quả nhanh chóng, điều này trong mọi trường hợp là không khả thi vào thời điểm này”, ông Gupta nói. “Ngược lại, mục đích cơ bản ở đây là để chính thức giúp những người đồng cấp của ông ấy làm quen với lập trường 12 điểm của Trung Quốc”.
Hồi tháng 2, Bắc Kinh đã đưa ra một đề xuất hòa bình kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình, cùng nhiều điều khác.
“Vào thời điểm này, chuyến đi của ông Lý chủ yếu là một bài tập làm quen và là dịp để lắng nghe quan điểm của những người đồng cấp châu Âu, và về mặt này, mục tiêu cơ bản đã đạt được”, ông Gupta bổ sung.
Ông Alfred Wu, Phó Giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, gợi ý rằng chuyến công du của ông Lý mang lại cho Bắc Kinh một số uy tín, đặc biệt là sau những tương tác gần đây giữa ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo từ Nga và Ukraine.
Chuyến công du 6 chặng của ông Lý là nhằm thu hẹp khoảng cách giữa cách tiếp cận của châu Âu và Trung Quốc nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc chiến, ông Wu nhận định.
“Cảm giác của riêng tôi là khoảng cách giữa châu Âu và Trung Quốc là rất, rất lớn”, ông nói. “Vấn đề không phải là làm thế nào để thu hút sự ủng hộ từ châu Âu mà là giảm thiểu sự khác biệt giữa Trung Quốc và châu Âu”.
Ông Wang Yiwei, Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết chuyến đi chứng tỏ rằng Trung Quốc đang tích cực thể hiện vai trò trung gian của mình, và có những dấu hiệu tích cực cho thấy Ukraine đang trở nên cởi mở hơn đối với những nỗ lực của Bắc Kinh.
“Bây giờ có một sự đồng thuận nhất định. Sau chuyến đi, Ukraine giờ đây cảm thấy rằng Trung Quốc không như những gì họ tưởng tượng, rằng Trung Quốc thực sự trung lập”, ông Wang nói.
Trung Quốc đã cố gắng thể hiện mình là một bên trung lập trong cuộc xung đột, nhưng các quốc gia phương Tây đã hoài nghi về những nỗ lực của họ vì mối quan hệ chặt chẽ của Bắc Kinh với Moscow và việc họ miễn cưỡng lên án các hành động của Nga.
Ông Wang cho biết, ông hy vọng rằng những nỗ lực của Trung Quốc sẽ thành công và hai bên trong cuộc chiến cuối cùng sẽ tiến tới các cuộc đàm phán hòa bình.
Nhưng ông Gupta lưu ý rằng Trung Quốc là một “người ngoài cuộc” trong cấu trúc an ninh châu Âu, vì vậy khả năng bảo đảm một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine của nước này bị hạn chế.
“Suy cho cùng, Trung Quốc đã có một cái nhìn tốt hơn, mặc dù chỉ là một chút, từ bước đột phá ngoại giao của họ vào quá trình kiến tạo hòa bình ở châu Âu. Và còn nhiều chương sẽ được viết trên mặt trận kiến tạo hòa bình nói chung”, ông Gupta kết luận.
Reuters hôm 30/5 dẫn lời Cố vấn trưởng về Ngoại giao Ihor Zhovkva, người đồng thời là Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết cách duy nhất để chấm dứt cuộc chiến là kế hoạch hòa bình của Ukraine, trong đó đòi hỏi Nga phải rút toàn bộ quân.
“Không thể có một kế hoạch hòa bình của Brazil, một kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, một kế hoạch hòa bình của Nam Phi khi các vị đang nói về cuộc chiến ở Ukraine”, ông Zhovkva nói.
Minh Đức (Theo SCMP, People’s Daily)