Trung Quốc tiếp tục cải tạo trái phép ở Biển Đông

Trung Quốc tiếp tục cải tạo trái phép ở Biển Đông

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 4, 15/03/2017 11:33

Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng trái phép ở Biển Đông ngay cả khi Bắc Kinh đang tìm cách tránh một cuộc đối đầu với chính quyền mới của ông Donald Trump.

Dựa trên hình ảnh vệ tinh mới đây, các nhà quan sát nhận định, Trung Quốc đã bắt đầu các hoạt động xây dựng mới trên các đảo mà nước này chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tiếp tục tăng cường quy mô quân sự hóa trên tuyến đường thủy quan trọng của khu vực – động thái xâm lấn chủ quyền của Việt Nam và gây căng thẳng tình hình, theo Reuters.

Tiêu điểm - Trung Quốc tiếp tục cải tạo trái phép ở Biển Đông

Hình ảnh vệ tinh đảo Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh trên 15/2/2017. Ảnh dưới 6/3/2017.

Các chuyên gia nhận định động thái của Trung Quốc thể hiện rằng, nước này vẫn quyết tâm xây dựng mạng lưới liên kết quân sự giữa các rạn san hô và đảo nhỏ mà nước này chiếm đóng, cải tạo phi pháp trong thời gian qua ở Biển Đông, ngay cả khi Bắc Kinh đang tìm cách giảm căng thẳng với chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hình ảnh vệ tinh do Planet Labs cung cấp hôm 6/3 cho thấy, Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đất để chuẩn bị cho xây dựng phi pháp một bến cảng tại đảo Bắc trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Hoạt động xây dựng đã bị ngừng trệ vào năm ngoái khi một số công trình bị hư hại do gặp bão.

Đánh giá của một số chuyên gia phương Tây cho rằng, Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi nỗ lực thống trị trên biển để tạo “sân sau” cho bản thân, thậm chí là tính toán thời gian triển khai một cách khôn ngoan để tránh bị dư luận quốc tế chỉ trích là công khai khiêu khích.

"Quần đảo Hoàng Sa đang trở nên rất quan trọng đối với Trung Quốc trong tham vọng chiếm lĩnh Biển Đông", Reuters dẫn lời Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia cho biết. "Trái ngược với những tuyên bố chính thức Trung Quốc thường nói, nước này không từ bỏ các hoạt động quân sự hóa mà vẫn thực hiện từng chút một".

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền một cách ngang ngược với hầu hết diện tích trên Biển Đông thông qua cái gọi là “đường chín đoạn”, xâm phạm chủ quyền lợi ích của các nước trong khu vực.

Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vào năm ngoái đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu của Trung Quốc và khẳng định động thái của nước này là vi phạm luật pháp quốc tế.

Ngoài hoạt động xây dựng trên các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp, Trung Quốc trong thời gian qua đã liên tục có những động thái quân sự hóa căng thẳng khi triển khai trái phép bệ phóng tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu tại các căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).

Đảo Bắc là một rạn san hô hình vòng cung dự kiến sẽ được Trung Quốc tạo thành tuyến bảo vệ bên ngoài cho đảo Phú Lâm.

Zhang Baohui, một chuyên gia về an ninh tại đại học Lĩnh Nam của Hồng Kông cho biết, ông tin rằng Trung Quốc đang tiếp tục theo đuổi mục tiêu bấy lâu nay là tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trên quần đảo Hoàng Sa, và chọn thời điểm chính quyền Trump sẽ ít phản ứng do còn ưu tiên các vấn đề cấp bách khác.

"Hoạt động này rất quan trọng đối với Trung Quốc... quần đảo Hoàng Sa được Bắc Kinh coi là chìa khóa để bảo vệ Hải Nam, nơi có cơ sở tàu ngầm hạt nhân", ông Baohui nói.

Động thái của Trung Quốc diễn ra đúng thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chuẩn bị cho chuyến thăm đầu tiên của ông tới châu Á vào giữa tuần này và dự kiến sẽ đến thăm Bắc Kinh vào ngày 18/3.

Ông Tillerson là người từng tuyên bố trước Quốc hội Mỹ rằng Trung Quốc không được phép tiến vào các đảo mà nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, đồng thời cho biết Washington sẽ chặn lại điều này.

Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh nói rằng các động thái mới đây của Trung Quốc không nhằm mục đích đối đầu với Mỹ ở Biển Đông, tiêu biểu như việc Bắc Kinh có những phản ứng “dịu giọng hơn mọi khi” đối với hoạt động tuần tra của một nhóm tàu sân bay Mỹ hồi tháng trước.

Trung Quốc gần đây đang cố gắng xây dựng bản thân như một quốc gia tích cực hòa giải trong các tranh chấp. Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết một dự thảo quy tắc ứng xử trên Biển Đông đã hoàn tất và đánh giá rằng, căng thẳng "rõ ràng đã giảm". Tuy nhiên, hành động cải tạo mới nhất cho thấy Bắc Kinh vẫn khó thay đổi tham vọng trong vùng biển khu vực.

Đọc thêm>>> Rex Tillerson - Ngoại trưởng Mỹ có quyền lực yếu nhất trong lịch sử?

Quốc Vinh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.