Sputnik dẫn nguồn Thời báo Hoàn cầu cho hay, tên lửa Đông Phong-41 được cho là có thể hoạt động đạt tới vận tốc 12.250km/h và sử dụng đạn giả để ném vào hệ thống phòng không của kẻ địch.
Tên lửa này đã được thử nghiệm 8 lần từ năm 2012, theo India Times. Các chuyên gia quân sự hàng đầu tin rằng, loại tên lửa này đã được cải tiến đáng kể và gia tăng sức mạnh gấp nhiều lần một khi quân đội Trung Quốc đã tuyên bố sắp đưa vào sử dụng.
Theo tờ SCMP, cuộc thử nghiệm tên lửa lần thứ 8 đối với Đông Phong-41 diễn ra vào hồi đầu tháng 11/2017 ở một địa điểm không được nêu rõ mà Trung Quốc chỉ tuyên bố chung chung là tại khu vực sa mạc phía Tây đất nước. Ngày thử tên lửa cũng không được nêu rõ.
Một kênh truyền hình trước đó thuộc về lực lượng pháo binh của quân đội Trung Quốc cho hay, loại tên lửa này có khả năng đã được sử dụng và hiện tại đang tiếp tục được thử nghiệm trong thực tế trước khi chính thức được đưa vào biên chế.
Theo tờ Global Security, tên lửa có tầm bắn từ 10.000 đến 12.000km, sử dụng nhiên liệu rắn, có chiều dài khoảng 15m và đường kính khoảng 2m, khối lượng khoảng 30 tấn.
Tên lửa này có thể mang theo tới 10 đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn có thể tấn công các mục tiêu riêng rẽ, tờ Thời báo Hoàn cầu cho hay. Nhưng tờ báo cũng nhấn mạnh “Trung Quốc không có ý định chạy đua vũ trang và sẽ không đua với bất kỳ quốc gia nào vì mục đích tương tự”.
Trước đó từng có thông tin cho rằng, tên lửa Đông Phong-41 sẽ được đặt tại căn cứ ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Từ căn cứ này, tên lửa có thể tấn công Mỹ trong vòng nửa giờ nếu bay qua Bắc Cực, hoặc hơn 30 phút nếu bay qua Thái Bình Dương.
Các chuyên gia đánh giá, tốc độ của Đông Phong-41 sẽ được cải thiện đáng kể sau năm 2020 khi Bắc Kinh hoàn thành hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu và không cần phụ thuộc vào hệ thống định vị của Mỹ.
Xem thêm: Syria: SAA chiếm thị trấn chủ chốt Abu Kamal, tính tiếp tục giành đất từ SDF