Tại sao Trung Quốc cần nhiều quặng sắt?
Trung Quốc tiêu thụ nhiều quặng sắt hơn bất kỳ quốc gia nào vì cho đến nay, nước này vẫn là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, với sản lượng lớn hơn tất cả các nước sản xuất thép khác trên thế giới cộng lại.
Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục sản xuất 1,05 tỷ tấn thép thô vào năm 2020. Nhu cầu tiêu thụ thép ở nước này được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích của Bắc Kinh nhằm phát triển cơ sở hạ tầng như cầu, đường, xây dựng các tòa nhà thương mại và nhà ở mới.
Sử dụng các vật liệu tái chế như thép phế liệu được coi là một cách Trung Quốc đã áp dụng để đáp ứng nhu cầu sản xuất thép của nước này. Nhưng lựa chọn này không phải là không có những khó khăn và hạn chế đáng kể.
Các nhà phân tích cho rằng động thái gần đây Trung Quốc cho phép nhập khẩu thép phế liệu, sau hai năm bị cấm, thực ra đã được thực hiện từ lâu, khi giới chức nước này chuyển hướng sang quản lý và tái chế chất thải.
Tuy nhiên, họ cũng cho biết thêm, do giá phế liệu nhập khẩu tăng cao, đặc biệt là tại các thị trường trong nước và hầu hết các nhà máy thép sử dụng phương pháp truyền thống để luyện thép với oxy và quặng sắt, nên khó có khả năng các nhà máy thép Trung Quốc sẽ thay thế nhanh chóng lượng lớn quặng sắt nhập khẩu bằng thép phế liệu trong ngắn hạn.
Yếu tố khác ngăn thép phế liệu trở thành nguồn thay thế tức thì cho quặng sắt là quy mô nhỏ của thị trường phế liệu toàn cầu.
Theo viện Nghiên cứu và Quy hoạch Công nghiệp Luyện kim, sản lượng thép dự báo của Trung Quốc cho năm 2021 là con số khổng lồ - đạt 1,065 tỷ tấn, tăng 1,4% so với sản lượng thực tế năm ngoái.
Điểm mấu chốt là hiện không có lựa chọn thay thế khả thi nào cho quặng sắt. Các lựa chọn chính của Trung Quốc để đa dạng hóa nguồn cung quặng sắt - bằng cách sử dụng nhiều thép phế liệu hơn, mở các mỏ mới ở nước ngoài, tìm nguồn nhập khẩu mới và tăng sản lượng quặng sắt trong nước – đều gặp những trở ngại mà sẽ mất nhiều năm để vượt qua.
Nguồn cung quặng sắt của Trung Quốc
Úc và Brazil, hai nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, là những nhà cung cấp hàng đầu của Trung Quốc.
Mặc dù nhập khẩu quặng sắt từ Ấn Độ đã tăng 88% trong năm ngoái - lên gần 45 triệu tấn - khi các nhà máy Trung Quốc cố gắng đa dạng hóa nguồn cung của họ trong bối cảnh giá nguyên liệu thô cao ngất ngưởng, quặng sắt của Ấn Độ vẫn chỉ chiếm 1,8% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc.
Trong khi đó, dữ liệu từ tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, các lô hàng từ Úc đã tăng 7% lên 713 triệu tấn vào năm ngoái, còn nguồn cung từ Brazil đã tăng 3,5% lên 235,7 triệu tấn.
Trong ngắn hạn, bất chấp xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Úc, giá quặng sắt cao và nhu cầu khổng lồ về quặng sắt của Trung Quốc đã có tác động tích cực đến nền kinh tế Úc.
Tang Chuanlin, một nhà phân tích tại Citic Securities, nhận định hồi tháng Giêng rằng, Úc và Brazil vẫn không thể đáp ứng nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc. “Các nhà máy thép ở Trung Quốc vẫn phải nhập nguyên liệu từ các nước khác”.
Tang cũng lưu ý các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang sử dụng nhiều quặng thấp cấp hơn, ví dụ như quặng có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhằm giảm chi phí.
Gần 2/3 lượng quặng sắt xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc có hàm lượng sắt ít hơn 58%, theo ước tính của ngành khai thác mỏ Ấn Độ.
Ấn Độ đánh thuế xuất khẩu 30% đối với quặng có hàm lượng sắt trên 58%, để bảo vệ nguồn cung nội địa và ngành thép của nước này.
Quặng có hàm lượng sắt trên 65% được coi là “cao cấp”.
Hồi tháng 12/2020, hiệp hội Thép Ấn Độ đã kêu gọi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu quặng sắt ngay lập tức trong sáu tháng, do giá quặng ở nước này tăng cao và sự thiếu hụt đầu ra cho xuất khẩu.
Trung Quốc có cổ phần trong các mỏ ở nước ngoài với trữ lượng quặng sắt dồi dào, bao gồm cả ở Tây Phi. Nhưng hầu hết các mỏ này vẫn không thể tiếp cận được do nạn quan liêu và nguồn vốn hạn chế.
Có rất nhiều nguyên liệu thô để khai thác, nhưng mấu chốt là làm thế nào để khai thác chúng một cách tiết kiệm.
Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã thực hiện các giao dịch liên quan đến các mỏ quặng sắt chưa được khai thác lớn nhất trên thế giới – như mỏ Simandou khổng lồ của Guinea ở Tây Phi – với hàng tỷ tấn quặng sắt cao cấp.
Trung Quốc có cổ phần ở Simandou thông qua các công ty như Shandong Weiqiao và Aluminium Corp (Chinalco). Tuy nhiên, để Simandou đi vào hoạt động đòi hỏi phải xây dựng các cơ sở sản xuất quy mô lớn và cơ sở hạ tầng giao thông mới. Sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng các công trình này, và việc xây dựng chúng có khả năng đòi hỏi phải giải quyết các vấn đề như hầu hết các dự án khai thác lớn vẫn gặp phải, theo các nhà phân tích.
Và ngay cả khi mỏ này đi vào hoạt động trong vài năm tới, với công suất tối đa khoảng 150 triệu tấn/năm, nó vẫn chỉ cung cấp một phần nhỏ quặng sắt cho Trung Quốc, khi so sánh với khối lượng do Australia và Brazil đảm nhiệm.
Điều này khiến Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp quặng sắt hiện tại của họ trong tương lai gần. Dựa trên tỷ lệ đóng góp hiện tại, Úc có khả năng cung cấp khoảng 700-800 triệu tấn quặng sắt cho Trung Quốc trong năm nay, còn Brazil sẽ cung cấp khoảng 300 triệu tấn.
Vấn đề đối với nhu cầu và nguồn cung quặng sắt của Trung Quốc
Nguồn cung quặng sắt nội địa của Trung Quốc tương đối thấp và chi phí chế biến là rất tốn kém. Các mỏ của nước này cũng đang bị cạn kiệt nhanh chóng. Do đó, nhiều nhà sản xuất thép Trung Quốc nhận thấy rằng việc sử dụng quặng sắt cao cấp nhập khẩu sẽ rẻ hơn và hiệu quả hơn.
Nhu cầu từ các nhà máy thép, cùng với lo ngại về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Úc, đã đẩy giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc lên mức cao nhất trong vài năm gần đây, đồng thời buộc các cơ quan quản lý nước này phải vào cuộc để hạn chế đầu cơ.
Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Xiao Yaqing, tại hội nghị công tác Thông tin và Công nghiệp Quốc gia năm 2021 diễn ra hồi tháng 12/2020, cũng yêu cầu ngành thép “kiên quyết” giảm sản lượng vào năm 2021.
Phần lớn nguồn cung quặng sắt của Trung Quốc được nhập khẩu từ Úc và Brazil, trong đó Úc cung cấp khoảng 60%. Hiện tại, hoạt động buôn bán quặng sắt vẫn diễn ra bình thường và không có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ hạn chế nhập khẩu quặng sắt từ Úc.
Giá quặng sắt chủ yếu được đẩy lên do thu hồi lợi nhuận từ sản xuất thép ở Trung Quốc và nhu cầu về các sản phẩm thép từ các khu vực sản xuất và xây dựng tăng cao, khi nền kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình phục hồi từ tác động của đại dịch.
Sau đó là vấn đề cung cấp. Trung Quốc đã trở thành một thị trường lớn đối với các công ty khai thác mỏ của Brazil như Brazil Vale.
Brazil Vale là công ty dẫn đầu trong xuất khẩu quặng sắt của Brazil và cũng đang thực hiện các bước để thúc đẩy nguồn cung sang Trung Quốc, với việc tăng cường các chuyến hàng đến các cảng nước sâu mới của Trung Quốc có thể tiếp nhận các tàu chở quặng “Chinamax” khổng lồ của công ty và bán quặng sắt tại chỗ nhiều hơn tại các cảng của Trung Quốc, nhưng điều này sẽ mất thời gian.
Các nhà phân tích của hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) dự đoán rằng, trong năm tới, nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc sẽ giảm khi các biện pháp kích thích kinh tế sau đại dịch bắt đầu hết tác dụng, các nhà máy thép cắt giảm sản lượng do lợi nhuận thấp, và các nhà khai thác quặng sắt khác như Brazil tiếp tục sản xuất đầy đủ.
Điều này sẽ dẫn đến việc giảm giá, các nhà phân tích cho biết, đồng thời cảnh báo rằng, giao dịch phái sinh từ quặng sắt có thể giữ cho giá tăng.
CISA đã kêu gọi các nhà chức trách Trung Quốc xem xét kỹ lưỡng thị trường đầu cơ quặng sắt và xem xét thay đổi các quy tắc giao dịch thị trường để tránh tình trạng méo mó.
Bất chấp những lo lắng về tác động của đầu cơ, một số nhà phân tích tin tưởng rằng nhu cầu cơ bản thấp hơn sẽ dẫn đến sự điều chỉnh về giá, đặc biệt là khi tiến độ xây dựng của các dự án bất động sản và cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại trong năm tới.
Văn phòng Kinh tế trưởng của Chính phủ Úc, trong triển vọng hàng quý về năng lượng và tài nguyên cho tháng 12/2020, cho biết họ dự kiến giá sẽ giảm dần trong những tháng tới, đặc biệt là với sản lượng quặng sắt bên ngoài Úc, bao gồm cả Brazil, vẫn đang phải đối mặt với các hạn chế.
Giá quặng sắt được dự báo sẽ duy trì trên 100 USD/tấn cho đến giữa năm 2021, trước khi giảm xuống khoảng 75 USD vào cuối năm 2022 khi nguồn cung từ Brazil phục hồi và kích thích kinh tế của Trung Quốc giảm trở lại.
Các yếu tố khác, đặc biệt là mục tiêu của Trung Quốc nhằm giảm lượng phát thải carbon, cũng được cho là sẽ làm giảm sản lượng thép.
Minh Đức (Theo SCMP)