"Kẻ bắt nạt xấu xí"
Sau khi tàu sắt 264 của Trung Quốc đâm hỏng tàu cá số hiệu QNg 90917 TS của Việt Nam ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền không cần tranh cãi của Việt Nam, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động này của phía Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc nhằm phản đối hành động của các tàu Trung Quốc, đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc phải xử lý nghiêm khắc các hành vi của tàu nói trên, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam và không để tái diễn các vụ việc tương tự.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Theo lời kể của ngư dân tàu cá Việt Nam, các tàu của Trung Quốc đã ngăn cản, tấn công họ khi đang đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, gây hư hỏng nghiêm trọng cho tàu cá Việt Nam. Ngư dân tàu còn cho hay, công suất tàu QNg 90917 TS là 340 CV, được thiết kế theo công nghệ hiện đại, nếu tàu có công suất nhỏ hơn thì có thể họ đã thiệt mạng sau vụ đâm tàu. Đây là vụ va chạm đầu tiên kể từ khi Trung Quốc đơn phương loan báo lệnh cấm đánh bắt cá hồi đầu tháng này. Lệnh cấm đánh bắt cá của Bắc Kinh "có hiệu lực" từ ngày 16/5 cho tới ngày 1/8.
Vụ việc lần này khiến các nước trong khu vực Biển Đông hết sức bất bình. Hết lần này đến lần khác, Trung Quốc gây hấn với các nước trong khu vực, đòi khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, cho tàu hải giám và ngư thuyền tiến vào khu vực thuộc chủ quyền của các nước khác trái phép...
Học giả Mỹ cho rằng, hành động của Trung Quốc trên Biển Đông chẳng khác gì "một kẻ chuyên đi bắt nạt". Học giả Jerome Cohen thuộc khoa Luật, trường đại học New York nói: "Hành động của Trung Quốc cho thấy chính họ đang trở nên "xấu xí" trong mắt cộng đồng quốc tế...
Bây giờ, nước này trông giống một "kẻ bắt nạt" khi từ chối nghĩa vụ pháp lý của mình để giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển...". Ông Cohen cũng nói thêm: "Một khi bị xem là người vi phạm luật quốc tế, người ta sẽ không còn nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng thế giới".
Học giả còn nhấn mạnh, tất cả các cường quốc lớn đều phải luôn ghi nhớ rằng, dù có thích hay không thì họ vẫn phải chịu những giới hạn quốc tế và tôn trọng các nước khác.
Trong thời gian này, hàng loạt học giả Trung Quốc đã mạnh mồm kêu gọi cả Trung Quốc ủng hộ việc "khẳng định chủ quyền của Trung Quốc" trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Trước sự việc này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng nhận xét rằng, những hành động hiếu chiến, những tuyên bố vô lý do giới học giả Trung Quốc phát ngôn chỉ làm cho Trung Quốc mất đi hình ảnh cũng như địa vị quốc tế.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói: "Trung Quốc có thể kiếm được cái gì đó ở Senkaku hoặc Biển Đông, nhưng Trung Quốc sẽ mất đi danh dự cũng như địa vị của mình trong mắt cộng đồng quốc tế, những điều này Bắc Kinh cần cân nhắc kỹ càng". Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng nhận định Trung Quốc cần phải thông qua hành động mang tính xây dựng và tự kiềm chế để thể hiện họ mong muốn hòa bình, mới hy vọng giảm bớt sự nghi ngờ và cái nhìn thiếu thiện cảm của các quốc gia khác dành cho Trung Quốc.
Đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn không hề có ý định ngừng lại những hành động được cho là xâm hại nghiêm trọng chủ quyền của các nước trong khu vực Biển Đông, mà còn tăng cường sự hiện diện tại các khu vực tranh chấp. Rõ nhất là việc hải quân Trung Quốc ngang nhiên tập trận bất thường trên Biển Đông với sự góp mặt của năm binh chủng của ba hạm đội hải quân nước này gồm Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải, cùng nhiều chiến hạm, tàu ngầm và lực lượng không quân hải quân Trung Quốc.
Chuyên gia về an ninh tại nhiều nước nhận định, dường như chính vì những hành động trắng trợn của mình mà hiện tại Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ các nước láng giềng đang cùng giúp đỡ nhau, đoàn kết thành một khối để chống lại sự bành trướng của "đất nước đầy tham vọng" này.
Tàu QNg 90917 TS bị hư hỏng nặng khi bị tàu Trung Quốc đâm (Nguồn internet).
Biển Hoa Đông cũng không ngừng dậy sóng
Song song với việc "tạo sóng" ở Biển Đông, Trung Quốc còn hoạt động "tích cực" tại biển Hoa Đông, đặc biệt trong vùng lãnh hải quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Phía Trung Quốc liên tục xua đuổi tàu thuyền của Nhật Bản đang hoạt động trong khu vực này. Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc tranh chấp kéo dài và căng thẳng ở biển Hoa Đông giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á.
Không chỉ vậy, Trung Quốc còn thường xuyên đưa tàu thuyền, máy bay, thậm chí cả chiến đấu cơ vào vùng tranh chấp với Nhật Bản. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện tại vẫn đang nằm trong sự kiểm soát của Tokyo dù Bắc Kinh đòi chủ quyền ở đây.
Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản gọi là Senkaku. Tokyo hiện đang nắm quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Bắc Kinh không chấp nhận thực tế này và đang tìm mọi cách thể hiện chủ quyền tại đây.
Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung - Nhật thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng. Cuộc tranh chấp Trung - Nhật leo thang đến sát bờ vực xung đột kể từ sau khi chính quyền ở Tokyo quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay một chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9 năm ngoái.
Sau sự kiện này, Bắc Kinh càng tỏ ra quyết liệt hơn trong ý đồ phá vỡ sự nguyên trạng ở Senkaku/Điếu Ngư. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc thường xuyên cho tàu thuyền tiến hành các chuyến tuần tra định kỳ ở vùng biển tranh chấp và mỗi ngày, hoạt động này lại diễn ra ngày một mạnh mẽ và táo tợn hơn với sự tham gia của cả chiến đấu cơ.
Trung Quốc đang tự cô lập mình Một tổ chức cố vấn của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã đưa ra một báo cáo trong đó cảnh báo, Trung Quốc đang phải đối mặt với "áp lực chiến lược" ngày càng tăng với việc khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện giờ trở thành "một trung tâm toàn cầu mới" cho "sự cạnh tranh về quân sự, kinh tế và địa chính trị". Bản báo cáo còn cho biết, các cường quốc lớn đang đẩy mạnh "cuộc chơi" giành lại chủ quyền trong khu vực. Các nhà phân tích cho hay, Trung Quốc đang tự dồn mình vào thế bị cô lập nếu tiếp tục hành động "ngông nghênh" trên Biển Đông và biển Hoa Đông. |
An Mai (Tổng hợp)