Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rõ ràng rằng: Cưỡng chế và bắt nạt để đạt được lợi thể trong tranh chấp Biển Đông là không thể chấp nhận được. Đây là thông tin được tờ Manila Standard Today đăng tải hôm 26/6.
Ông Danny Rusell, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và sắp trở thành Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề Đông Á Thái Bình Dương cho biết: “Không có chỗ cho cưỡng chế và bắt nạt trong tranh chấp Biển Đông” và “không thể chấp nhận chỉ đàm phán song phương với các bên tranh chấp khác”.
Đây là một tuyên bố chính sách quan trọng mà Washington đưa ra nhằm ám chỉ Trung Quốc sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Palm Springs, California.
Tại Kuala Lumpur và Manila, chỉ huy lực lượng hải quân Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear trước đó cũng từng tuyên bố Hoa Kỳ sẽ ngăn chặn bất cứ nỗ lực sử dụng vũ lực nào nhằm khẳng định chủ quyền trên Biển Đông.
Đội tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc làm nước này tỏ ra ngạo mạn hơn bao giờ hết, cho rằng mình có thể làm bất cứ điều gì nếu muốn với sức mạnh kinh tế và quân sự như hiện nay.
Thực tế, Mỹ đang nợ Trung Quốc 1,3 nghìn tỉ USD nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ với các nước đồng minh ở châu Á Thái Bình Dương của Washington. Thậm chí, Hoa Kỳ sẽ không đứng sang một bên và không cho phép Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông.
Nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ nào, việc tiếp cận và sở hữu tài nguyên dầu, khí đốt, khoáng sản ở Biển Đông sẽ nghiêng về Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc thông suốt hàng hải ở Biển Đông rất quan trọng cho thương mại thế giới. Đó là lý do tại sao Mỹ, mặc dù không có tranh chấp ở Biển Đông nhưng cũng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết hòa bình trước các tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc.
Trong một thế giới đang suy giảm nguồn tài nguyên năng lượng, lo ngại rằng các mỏ dầu ở Trung Đông có thể cạn kiệt trong tương lai, Biển Đông lại càng trở thành một thách thức mang tính chiến lược.
Mỹ đã nhất trí hỗ trợ Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong nỗ lực xây dựng quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Washington dự kiến sẽ tái khẳng định lại vị trí của mình trong cuộc họp an ninh khu vực ASEAN tại Brunei trong tuần này.
Theo Manila Standard Today, trong khi các nhà ngoại giao đang tích cực làm việc vì một giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông thì Trung Quốc liên tục có những hành động khiêu khích, gây hấn.
Mới đây nhất, một tàu chở hàng Trung Quốc có tên MV Ming Yuan được phát hiện neo đậu ở giữa đảo Malapascua và Camasa mà không hề thông báo cho chính quyền Philippines. Sự việc được ngư dân trong khu vực phát hiện và báo cáo, Lực lượng Tuần duân Philippines trước đó không hề hay biết “những kẻ xâm nhập” neo đậu kể từ 19/5.
Ban đầu, Cảnh sát biển, Chính quyền Cảng Philippines, Cục Hải quan và Nhập cảnh bị từ chối không cho lên tàu. Sau cuộc nói chuyện kéo dài, thuyền trưởng Trung Quốc mới cho các đội của chính quyền Philippines nên kiểm tra tàu. Tàu này sau đó đã được hộ tống tới cảng Cebu.
Sự cố mới nhất này diễn ra không lâu sau vụ Philippines bắt giữ 12 thuyền viên tàu Trung Quốc sau khi tàu cá của họ có tên Ming Long Yu bị mắc cạn ở Tubbataha Reef, kho bảo tồn biển, nơi một tàu quét mìn của Mỹ từng bị mắc kẹt.
Bên cạnh đó còn rất nhiều vụ việc nghiêm trọng khác liên quan đến người Trung Quốc xảy ra ở Phillippines. Kết lại, tờ Manila Standard Today đánh giá rằng Philippines cần luôn phải cảnh giác với chiến thuật “ngọa hổ tàng long” của người hàng xóm Trung Quốc trên khu vực Biển Đông.
Theo Tiền phong