Những năm gần đây, ngày càng nhiều hóa thạch khủng long được phát hiện ở vùng tây bắc Trung Quốc. Tại khu tự trị Tân Cương và lưu vực Turpan-Hami, người ta đã khai quật được các hóa thạch bao gồm một số khủng long bay, trứng, phôi cũng như một số mảnh hóa thạch xương cột sống và xương sườn. Các nhà khoa học ban đầu cho rằng số hóa thạch này thuộc về ba loài khủng long bí ẩn.
Phân tích sâu hơn, nhóm nghiên cứu xác định hai trong số ba loài khủng long nói trên là những loài chưa từng được biết đến. Chúng được đặt tên là Silutitan sinensis và Hamititan xinjiangensis. Trong đó "silu" có nghĩa là "con đường tơ lụa" trong tiếng Quan Thoại, còn "xinjiang" có nghĩa là Tân Cương, chính là khu vực đã phát hiện ra hóa thạch. Tên gọi của cả hai loài đều có "titan", trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “khổng lồ”, để chỉ kích thước của chúng.
Theo nghiên cứu công bố ngày 12/8 trên tạp chí Scientific Reports, nhóm các nhà khoa học đến từ Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Bảo tàng Quốc gia Brazil cho biết loài Silutitan ước tính có chiều dài cơ thể hơn 20m và loài Hamititan dài khoảng 17m. Để dễ so sánh thì chúng lớn cỡ loài cá voi xanh, thường dài từ 23m đến 30m, tùy vào nơi sống ở bán cầu nào.
Hai sinh vật khổng lồ mới được phát hiện đều thuộc nhóm khủng long chân thằn lằn (Sauropoda) - bao gồm những động vật lớn nhất từng đi bộ trên cạn. Chúng là khủng long ăn cỏ với chiếc cổ dài đặc trưng. Các mảnh hóa thạch của hai loài khủng long này có niên đại cách đây khoảng 120 đến 130 triệu năm, thuộc kỷ Phấn Trắng.
Mẫu vật thứ ba, theo các nhà nghiên cứu, không phải một loài mới và có thể là một con somphospondylan sauropod, sống từ cuối kỷ Jura đến cuối kỷ Phấn trắng. Nhóm nghiên cứu nhận định, những phát hiện trên không chỉ cung cấp thêm thông tin về nhánh khủng long chân thằn lằn mà còn làm tăng sự đa dạng của hệ động vật cổ đại ở Trung Quốc.
Minh Hoa (t/h)