Trung Quốc tuyên bố phóng thành công tên lửa đẩy Trường Chinh-5B cỡ lớn, đưa phiên bản thử nghiệm của tàu vũ trụ có người lái thế hệ mới và một khoang chứa hàng được lập trình tự quay về vào không gian.
Tên lửa Trường Chinh-5B màu trắng đã được phóng từ Trung tâm Phóng vệ tinh Văn Xương ở phía Nam tỉnh Hải Nam vào lúc 18h chiều 5/5 (giờ địa phương). Trường Chinh-5B là tên lửa hạng nặng đời mới, phiên bản thứ tư trong dòng tên lửa Trường Chinh-5 của Trung Quốc, với khả năng chở theo 20 tấn hàng hóa gồm vệ tinh và các thiết bị quan sát.
Một ngày nào đó con tàu sẽ vận chuyển các phi hành gia lên trạm không gian mà Trung Quốc đang xây dựng (dự kiến hoàn thành vào năm 2022) và cuối cùng là chinh phục Mặt Trăng. Nó có khả năng chở phi hành đoàn gồm sáu người.
Khoảng hơn 448 giây sau khi rời khỏi bệ phóng, tàu vũ trụ có người lái thử nghiệm song không có phi hành đoàn cùng với phiên bản thử nghiệm của khoang chứa hàng đã tách khỏi tên lửa và di chuyển vào quỹ đạo định sẵn.
Theo CMSA, lần phóng thành công này đã khởi đầu "bước thứ ba" trong chương trình không gian có người lái của Trung Quốc, vốn dự kiến xây dựng một trạm không gian.
Nguyên mẫu tàu vũ trụ và khoang chở hàng hóa sẽ tiếp tục ở lại quỹ đạo để hoàn thành các thử nghiệm trước khi quay trở lại Trái Đất vào thứ Sáu, phát ngôn viên Ji Qiming từ Cơ quan Vũ trụ Có người lái Trung Quốc cho biết trong một cuộc họp báo.
Mỹ hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới đưa thành công con người lên Mặt Trăng, nhưng Bắc Kinh đã có những bước tiến lớn trong nỗ lực bắt kịp Mỹ và vươn lên là một trong những cường quốc không gian.
Thế Hiệp (Tổng Hợp)