Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) tối 19/10 cho biết, họ đang nghiên cứu các biện pháp để giới hạn giá than, vốn đã đạt mức cao kỷ lục.
Bắc Kinh đang lo lắng rằng, việc mức tăng đột biến của giá than đã gây áp lực ngày càng tăng lên an ninh năng lượng và tăng trưởng của đất nước, đồng thời gây ra mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu, hãng AFP đưa tin.
Dữ liệu chính thức cho thấy trong tuần này, nền kinh tế số hai thế giới tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong quý III do khủng hoảng năng lượng bắt đầu bùng phát, với tình trạng thiếu điện và cắt giảm sản lượng đã kéo lùi sản lượng công nghiệp.
Cuộc khủng hoảng xảy ra khi giá hàng hóa toàn cầu tăng cao do nhu cầu tăng vọt khi thế giới mở cửa trở lại sau các đợt đóng cửa liên quan tới Covid-19, trong khi vấn đề trở nên trầm trọng hơn do các mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc nhằm cắt giảm lượng phát thải và sự sụt giảm mạnh nhập khẩu từ Úc do căng thẳng chính trị.
Trong một tuyên bố trực tuyến được công bố sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo ngành, NDRC lưu ý rằng, giá than "đã tăng nhanh chóng, đạt mức cao kỷ lục liên tiếp, đẩy chi phí sản xuất lên cao... và ảnh hưởng tiêu cực đến việc cung cấp điện và năng lượng phục vụ mục đích sưởi ấm trong mùa đông".
Cơ quan này cảnh báo sẽ thực hiện một cách tiếp cận "không khoan nhượng" và "nghiêm khắc trừng phạt" các hoạt động như truyền bá thông tin sai lệch hoặc thông đồng giá cả, nhằm duy trì trật tự thị trường.
"Việc tăng giá hiện tại đã hoàn toàn lệch khỏi các nguyên tắc cơ bản của cung và cầu", NDRC cho biết thêm, cam kết giá sẽ quay trở lại "phạm vi hợp lý".
Trong một thông báo riêng ra ngày 19/10, cơ quan này nhấn mạnh rằng các mỏ than trong nước cần phấn đấu đạt sản lượng hàng ngày hơn 12 triệu tấn, với việc chính quyền địa phương đảm bảo sản lượng được tối đa hóa.
"Động thái cứng rắn này đáng ra phải thực hiện từ lâu, vì vốn đầu cơ đổ vào giao dịch than tương lai dường như đã vượt quá giới hạn pháp lý", Han Xiaoping, nhà phân tích trưởng của trang web ngành công nghiệp năng lượng china5e.com, nói với Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) hôm 19/10.
Đáng ra giá than nhiệt không nên tăng lên tới mức 1.500 Nhân dân tệ/tấn (234 USD/tấn) từ mức khoảng 500 Nhân dân tệ của năm ngoái, Han nhận định.
Ông kỳ vọng các biện pháp can thiệp được sử dụng sẽ có tác động hạ nhiệt ngay lập tức đối với giá than.
Cổ phiếu than giảm, kéo giá dầu đi xuống
Theo sau tuyên bố của cơ quan chức năng Trung Quốc về việc cân nhắc các chính sách can thiệp vào thị trường than, hợp đồng tương lai và cổ phiếu than ở Trung Quốc đã sụt giảm, theo Global Times.
Các hợp đồng tương lai lớn của than luyện cốc và than nhiệt đã giảm tới giới hạn hôm 20/10, sau khi giao dịch qua đêm lao dốc.
Hợp đồng than nhiệt giao dịch tích cực nhất trên Sàn giao dịch Hàng hóa Trịnh Châu giao dịch thấp hơn 8,01% hôm 20/10. Hợp đồng tương lai than cốc giao dịch tích cực nhất trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên giảm tới 8,99%.
Giá than kỳ hạn giảm mạnh đã kéo các cổ phiếu có chu kỳ khác đi xuống do lo ngại thị trường điều chỉnh.
Các cổ phiếu than lao dốc với hơn 20 mã giảm hơn 9%. Cổ phiếu trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên, xi măng, thép và hóa chất cũng suy yếu.
Việc giá cổ phiếu than và các mặt hàng khác của Trung Quốc giảm trong đầu phiên giao dịch đã kéo giá dầu đi xuống từ mức tăng trước đó trong ngày, Reuters đưa tin.
Dầu thô Brent giao sau giảm 64 cent, tương đương 0,8%, xuống 84,44 USD/thùng lúc 06h45 (giờ GMT), cắt ngang mức tăng 75 cent trong phiên trước đó, nhưng vẫn gần với mức cao nhất trong nhiều năm.
Hợp đồng kỳ hạn dầu WTI giao tháng 11, hết hạn vào 20/10, giảm 56 cent xuống 82,40 USD/thùng. Hợp đồng kỳ hạn dầu WTI giao dịch tích cực hơn cho tháng 12 giảm 59 cent, tương đương 0,7% xuống 81,85 USD/thùng.
Các thị trường dầu mỏ nói chung vẫn được hỗ trợ khi cuộc khủng hoảng than và khí đốt toàn cầu thúc đẩy việc chuyển sang sử dụng dầu diesel và dầu nhiên liệu (FO) để sản xuất điện.
Tuy nhiên, thị trường hôm 20/10 cũng bị áp lực bởi dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API). Dữ liệu của API cho thấy, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 3,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 15/10, theo các nguồn tin thị trường.
Gần 60% nền kinh tế Trung Quốc được cung cấp năng lượng từ than đá, và nước này đã phải vật lộn để hạn chế phụ thuộc vào loại nhiên liệu hóa thạch này, với cam kết đạt trạng thái trung hòa carbon vào năm 2060, AFP đưa tin.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi việc cắt điện trên diện rộng buộc các nhà máy phải trì hoãn sản xuất vì các doanh nghiệp được lệnh giảm thiểu việc sử dụng năng lượng.
Cơ quan chức năng Trung Quốc đã tìm cách để chống lại đà tăng giá khi mùa đông năm nay đang đến rất gần, yêu cầu các mỏ mở rộng sản xuất than và yêu cầu các công ty năng lượng quốc doanh hàng đầu đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu bằng mọi giá.
Các địa phương cũng đã hành động. Ví dụ, cảng Tần Hoàng Đảo đã đạt được thỏa thuận với các công ty khai thác, nhà máy điện và nhà điều hành đường sắt để giới hạn chi phí một số nguồn cung không quá 1.800 Nhân dân tệ/tấn, theo tờ Economic Daily.
Theo NDRC, tồn kho than của Trung Quốc ở mức 88 triệu tấn, đủ dùng trong 16 ngày.
Minh Đức