Trong buổi họp báo với Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul - điều phối Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, Ngoại trưởng Vương Nghị thông báo, Trung Quốc đồng ý khởi động tham vấn về COC bên lề cuộc gặp các quan chức cấp cao SOM giữa ASEAN và Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 9 sắp tới. Đây là lần thứ hai Trung Quốc chủ động đề xuất thảo luận Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC kể từ sau đề xuất hồi tháng 4 vừa qua.
Lần này, Trung Quốc có điều kiện là ASEAN phải chấp thuận việc thành lập một nhóm nhân sĩ ASEAN - Trung Quốc (EPG) như là một khởi đầu của vòng đàm phán. Bởi vậy, giới phân tích cho rằng, điểm này không có gì mới và có thể đây chính là biện pháp kéo dài thời gian của Trung Quốc.
Chủ động đề xuất
Nói về sự chủ động trong việc đề xuất COC của Trung Quốc, giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia cho rằng: "Đề xuất mới nhất của Trung Quốc chỉ lặp lại những gì họ từng tuyên bố tại tham vấn ASEAN - Trung Quốc hồi tháng 4 mà thôi".
Đề cập đến đề xuất thành lập EPG, giáo sư Thayer cũng cho hay, trước đây, Trung Quốc cũng từng đề xuất thành lập nhóm gồm 20 thành viên, trong đó 10 người của Trung Quốc và mỗi nước ASEAN một người.
Tuy nhiên, đến nay, thành phần EPG hay quyền hạn của nhóm này vẫn chưa được xác định. Hiện tại, một số nước thành viên ASEAN chỉ muốn tham vấn EPG trên một số vấn đề nhất định, trong khi Trung Quốc lại muốn EPG can thiệp sâu vào các khía cạnh của COC.
Ông Thayer nói: "Với điều kiện của Trung Quốc, họ có thể gây khó dễ tại các cấp không chính thức và lợi dụng việc thiếu đồng thuận để trì hoãn tiến độ của các nhóm đàm phán chính thức". Giáo sư tin rằng, đây là cách "khôn ngoan", giúp Trung Quốc tránh bị quốc tế chỉ trích khi đàm phán COC không có tiến triển gì và bị giậm chân tại chỗ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Còn theo tiến sĩ Ian Storey thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, các cuộc nói chuyện là một dấu hiệu khích lệ, nó cho thấy cuối cùng thì Trung Quốc cũng sẵn sàng thảo luận về Bộ quy tắc với ASEAN. Ông cho biết, vấn đề này từng được đàm phán hồi tháng 5 vừa rồi trong cuộc họp nhóm hỗn hợp ASEAN - Trung Quốc tại Bangkok nhưng không đạt được tiến triển thực sự nào.
Tiến sĩ Storey nhận định: “Với tình hình như hiện nay, Trung Quốc sẽ không bao giờ tự "trói" mình vào một Bộ quy tắc hạn chế hành động của họ tại Biển Đông". Ngoại trưởng Singapore K.Shanmugam cũng cho rằng, không nên kỳ vọng vào việc đạt được thỏa thuận COC sớm. Ông nói: "Điều quan trọng là chúng ta đã thống nhất được một thời điểm bắt đầu".
Quan trọng vẫn là cách tiếp cận
Nhân dịp Trung Quốc đề xuất COC, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với một "Bộ quy tắc ứng xử lâu dài" để xử lý những tuyên bố chủ quyền tại các khu vực chồng lấn ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của Bộ quy tắc này trong việc duy trì ổn định trong vùng.
Ông Kerry phát biểu với các Ngoại trưởng ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Mỹ ở thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei: "Với tư cách một quốc gia Thái Bình Dương và là một cường quốc hiện diện ở đây, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, giao thương hợp pháp không bị cản trở và tự do hàng hải trên Biển Đông".
Ông nói, rất hy vọng sớm thấy những tiến bộ về Bộ quy tắc ứng xử để giúp bảo đảm sự ổn định trong khu vực có tầm quan trọng sống còn này. Ngoại trưởng Kerry thúc giục Trung Quốc và các nước ASEAN cần sớm đạt được tiến bộ về COC nhằm giảm căng thẳng trên Biển Đông: "Chúng tôi rất quan tâm đến cách tiếp cận các tranh chấp trên Biển Đông, cách hành xử của các bên và mong sớm nhìn thấy tiến bộ về một Bộ quy tắc ứng xử để giúp bảo đảm ổn định ở khu vực quan trọng này".
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia.
Như vậy, trong khi một số nước thành viên ASEAN và các nước có lợi ích kinh tế trên Biển Đông hi vọng vào một Bộ quy tắc ứng xử sẽ được thống nhất thì Trung Quốc lại không tỏ ra vội vã trong việc đề xuất những cuộc thảo luận quan trọng về bộ quy tắc. Ngược lại, họ rất chú tâm vào việc củng cố những tuyên bố chủ quyền trên biển, thông qua sức mạnh hải quân vượt trội của họ so với các nước ASEAN.
Giáo sư Thayer phân tích: “Trung Quốc sẽ có những động thái để đảm bảo thỏa thuận cuối cùng không ngăn cản nước này khẳng định tuyên bố chủ quyền biển đảo trên Biển Đông". Và như thế, tương lai của COC vẫn là việc của thời gian tới...
An Mai (Theo Bloomberg, Straight Times)