Trong một tuyên bố gần đây Tổng thống Philippines Duterte đã đề nghị Bộ Quốc phòng nước này xem xét việc mua vũ khí từ Nga và Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Manila bày tỏ ý muốn tìm kiếm một đối tác quốc phòng mới sau quãng thời gian dài gắn liền với Washington.
Những vũ khí mới từ hai quốc gia này được cho là sẽ giúp Manila có thêm nhiều lựa chọn và phù hợp hơn với cam kết lâu dài của Duterte trong việc định hình lại chính sách đối ngoại của Philippines.
Sau những biến động gần đây, nhu cầu của Philippines cho các thiết bị quân sự hiện đại hiện đang gia tăng đáng kể, mặc dù nguồn lực chi cho quốc phòng của nước này khá ít ỏi.
Trong những năm qua Manila chủ yếu sắm cho mình một số trực thăng, máy bay và tàu tuần tra hạng nhẹ. Phần lớn số trang bị này đến từ nguồn cung của Mỹ và Nhật Bản.
Đánh giá về việc chuyển hướng sang mua sắm vũ khí của Philippines học giả Robert Farley là từ trường Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Patterson cho rằng, phía Nga và Trung Quốc có thể đáp ứng được điều này do nhu cầu của Manila cũng khá khiêm tốn.
Với Trung Quốc, tiêm kích JF-17 một động cơ cải tiến từ mẫu MiG-29 của Liên Xô được cho là khá phù hợp. Ông Duterte từng tuyên bố không cần đến chiến đấu cơ hiện đại F-16 của Mỹ vì Manila không cần dùng vũ khí để chiến đấu.
Tuy nhiên điều này sẽ đặt ra một số rủi ro đối với Nga và Trung Quốc về việc rò rỉ công nghệ.
Mỹ từng được phép truy cập vào các thiết bị quân sự tiên tiến của Nga thông qua một loạt các bài tập với các đối tác như Malaysia, Indonesia và Ấn Độ.
Bộ Quốc phòng Mỹ vốn có quan hệ sâu sắc và lâu dài với quân đội Philippines, và sự gắn kết này sẽ không xấu đi chỉ trong một sớm một chiều. Do vậy thiết bị quân sự của Nga hoặc Trung Quốc thậm chí có thể bị giám sát sâu hơn bởi Mỹ nếu như được mua về.
Về mặt tổng quát, Robert Farley cho rằng việc định hướng lại nhà thầu quân sự từ Mỹ sang Nga hay Trung Quốc sẽ mất một khối lượng đáng kể tiền bạc, thời gian và cả những sai sót không đáng có.
Quân đội và một số quan chức cấp cao của Philippines có thể sẽ cố gắng làm chậm lại các nỗ lực giao dịch của Duterte do cần phải xem xét lại nguồn lực trong nước.
Ngoài ra một mối quan hệ thêm căng thẳng giữa Manila và Washington có thể gây ra các vấn đề khác liên quan đến chuyển giao công nghệ.
Philippines là một trong những khách hàng lớn của KAI T-50 Golden Eagle, một mẫu máy bay huấn luyện/tấn công hạng nhẹ siêu âm được Hàn Quốc và Mỹ hợp tác thiết kế chế tạo.
KAI được phát triển thông qua chương trình hợp tác với Lockheed Martin, vì thế Mỹ có quyền ngừng xuất khẩu mẫu chiến đấu cơ này nếu muốn.
Do vậy T-50 sẽ vẫn là con bài níu giữ của Mỹ đối với Philippines cho đến khi nào hai bên kết thúc thời hạn giao hàng.
Tất nhiên, ông Duterte từng khẳng định T-50 sẽ không có tác động nhiều tới quyết định của mình.
Quốc Vinh