Giám đốc điều hành hãng phim Mỹ và Trung Quốc đã “thở phào” khi bộ phim Vạn Lý Trường Thành năm 2016 (đạo diễn Trương Nghệ Mưu) “dội bom” tại các phòng vé toàn cầu. Tuy nhiên, thành công đó vẫn chưa đáp ứng được như mong muốn. Được biết, tác phẩm điện ảnh là một sản phẩm hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ sau khi Tập đoàn Wanda mua lại hãng phim tên tuổi Legendary Entertainment.
Vạn Lý Trường Thành là sản phẩm tiêu biểu cho công thức mang kỹ nghệ làm phim và tiếp thị của Mỹ, cộng với nguồn vốn và diễn viên trong nước để giới thiệu Trung Quốc ra thế giới. Với sự góp mặt của dàn sao Hollywood Matt Damon, Willem Dafoe cùng ngôi sao Trung Quốc Cảnh Điềm, Lưu Đức Hoa, bộ phim đã từng gây nhiều tranh cãi trước khi phát hành, khi có vốn đầu tư lớn, nhưng không cứu vãn nổi nội dung bị chê thảm hại.
Thu về 171 triệu USD ở Trung Quốc và 163 triệu USD trên toàn cầu, Vạn Lý Trường Thành có khoản lợi nhuận khá khiêm tốn nếu so với các tác phẩm bom tấn khác như: The Fate of the Furious (2017), Transformers: The Last Knight (2017) hay tác phẩm sản xuất trong nước Chiến Lang 2 (2017) với doanh thu 870 triệu USD.
Người ta có thể thấy rằng Vạn Lý Trường Thành là một ví dụ về “quyền lực mềm” của Trung Quốc bằng cách làm nổi bật hơn hình ảnh của quốc gia này trong mắt công chúng. Với việc học tập từ Hollywood, sử dụng hệ thống tiếp thị và phân phối toàn cầu, Trung Quốc hy vọng họ sẽ trở thành một quốc gia hấp dẫn hơn như cách mà Mỹ làm được thông qua các bộ phim.
Theo The Diplomat, mặc dù Vạn Lý Trường Thành dường như là một sự thất bại, các nhà làm phim Trung Quốc và các công ty phim đã học được bài học quý giá để áp dụng trong các tác phẩm tương lai của chính họ, khi có hoặc không có các đối tác Mỹ giúp sức.
Theo “cha đẻ” của khái niệm “quyền lực mềm” - Joseph Nye Jr. thì quyền lực mềm là kết quả lý tưởng có được thông qua sức hấp dẫn của văn hoá... chứ không phải sức mạnh cưỡng chế của một quốc gia, có thể làm cho một người khác tin phục đi theo mình, hoặc tuân theo các tiêu chuẩn hành vi do mình định ra, để hành xử theo ý tưởng của mình.
Mỹ là quốc gia tiêu biểu trong việc vươn xa bằng quyền lực mềm trong suốt thế kỷ 20, thông qua các ngành công nghiệp văn hóa đại chúng bao gồm âm nhạc và phim ảnh. Thay vì chỉ ép buộc bằng các phương tiện quân sự hay kinh tế, Mỹ thể hiện sức hút qua chính “quyền lực mềm” này.
Với tham vọng trở thành một cường quốc toàn cầu, nhiều người đã lập luận rằng, Trung Quốc cũng sẽ cần phải phát triển các hình thức riêng của mình về “quyền lực mềm” và đi theo con đường giống Mỹ. Quyền lực mềm thành công sẽ thuyết phục thế giới rằng Trung Quốc là một cường quốc có sức “quyến rũ” và thu hút nhiều người tìm đến lối sống, văn hóa Trung Hoa.
Tuy nhiên, giới quan sát đều nhận định, bất chấp nỗ lực của mình trong việc phát triển quyền lực mềm trong những năm gần đây, hình ảnh in hằn trong tâm trí công chúng thế giới vẫn chưa được cải thiện nhiều. Lý do này xuất phát từ sự mâu thuẫn giữa “hình ảnh” và “hành động” mà Trung Quốc thể hiện. Trong đó bao gồm việc tẩy chay giải Nobel, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông cho đến việc thành lập các viện Khổng Tử trên thế giới bị nghi ngờ có các mục đích không chính thống.
Một số phương tiện truyền thông chủ chốt đã được mua lại bởi các công ty đại lục trong những năm gần đây, bao gồm cả South China Morning Post ở Hồng Kông, công ty truyền thông như Apple Daily và có ý định thao túng New York Times.
Mặc dù không chi phối hoàn toàn định hướng của các hệ thống tin tức này, Trung Quốc vẫn gây sức ép một phần do nắm chắc về tài chính. Ngoài ra, phạm vi hoạt động của Tân Hoa Xã và CGTN (trước đây là CCTV) đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới.
Trung Quốc dù không vươn xa trên toàn cầu nhưng thực chất vẫn là một hình ảnh khá hấp dẫn đối với các quốc gia ở châu Á. Công chúng nhìn thấy ở Trung Quốc là một quốc gia hùng mạnh có khả năng thách thức vị thế của Mỹ và phương Tây, trong khi đảm bảo ổn định kinh tế và thịnh vượng cho dân chúng trong nước.