Sẽ xem xét tăng thuế phân bón
Sáng 29/5, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4 được tổ chức với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.
Là người đặt câu hỏi đối thoại đầu tiên tới Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Thanh đến từ xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Nội đề cập đến vấn đề giá vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp tăng cao khiến người nông dân gặp khó khăn.
“Thời gian vừa qua, giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng cao khiến nhiều nông dân chịu thua lỗ, nhiều người phải treo ao, treo chuồng. Xin hỏi Thủ tướng có chính sách, biện pháp gì để bình ổn giá vật tư đầu vào, tiếp sức, hỗ trợ nông dân?”, nông dân Nguyễn Văn Thanh đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, giá cả hàng hóa toàn cầu, trong đó có giá vật tư nông nghiệp, đã tăng rất cao trong gần 2 năm qua là do 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, giá các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón đều tăng cao. Thứ hai, nguồn cung trên thị trường thế giới có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao do phục hồi kinh tế sau đại dịch. Thứ ba, gián đoạn chuỗi cung ứng bởi ảnh hưởng của đại dịch và xung đột chính trị ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã nghiên cứu chính sách bảo đảm về thuế, phí và trong trường hợp giá cả tiếp tục leo thang sẽ có đề xuất trợ giá để hỗ trợ nông dân.
“Tuy nhiên vấn đề trượt giá là vấn đề mang tính chất toàn cầu, không riêng quốc gia nào. Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để sớm bình ổn giá các mặt hàng, nguyên liệu đầu vào”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hiện nay, đối với sản xuất phân bón, giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 130-170%, giá đầu ra cũng tăng tương ứng như vậy. Thực tế là vật tư đầu vào chỉ chiếm khoảng 55-60% giá thành sản phẩm. Vì vậy, mặc dù giá nguyên liệu thế giới tăng, nhưng các doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí sản xuất để chia sẻ lợi ích với người nông dân.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát thị trường; các bộ, ngành cũng sẽ tiếp tục đề nghị xem xét lại thuế GTGT đối với phân bón để giúp kiềm chế mức độ tăng giá.
Nếu như tình hình diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ sẽ cùng các bộ liên quan kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét việc trợ giá đối với một số mặt hàng, nguyên liệu thiết yếu như phân bón, thuốc trừ sâu, bớt khó khăn cho nông dân.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn
Liên quan đến câu hỏi thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, đặc biệt là để nông sản Việt Nam vào sâu trong nội địa nước bạn, Bộ trưởng phân tích, những khó khăn xảy đến trong thời gian vừa qua bên cạnh nguyên nhân là Trung Quốc áp dụng nghiêm ngặt chính sách “zero Covid” thì còn nguyên nhân nữa là trên thực tế nhiều sản phẩm của chúng ta còn chưa đạt chất lượng.
Sản phẩm nông sản của ta xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô vì sản xuất manh mún, tự phát, sản phẩm theo mùa vụ, quy mô nhỏ; chất lượng lại không ổn định, nhiều sản phẩm không thể truy xuất nguồn gốc...nên chủ yếu tiêu thụ tiểu ngạch.
Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chế biến chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Mặt khác còn thiếu vai trò nhạc trưởng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, chính quyền địa phương; người sản xuất không chịu hoặc không dễ tự thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Trong bối cảnh đó Chính phủ và các bộ kiên trì duy trì công tác giao thiệp về nhận thức để tạo thuận lợi cho thông quan hàng hoá. Cùng đó công tác đàm phán nghị định thư để tăng cường thúc đẩy hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc cũng rất được Chính phủ quan tâm.
Để khắc phục những hạn chế, người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh sẽ tập trung chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, có tính đến liên kết vùng, liên kết sản phẩm để có khối lượng sản phẩm chất lượng cao và đủ lớn.
Chú trọng đầu tư vào giống, tư liệu sản xuất, logictics; xây dựng đề án và yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện đề án xuất khẩu hàng nông sản theo hướng chính ngạch, có truy xuất nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn sản phẩm sạch, an toàn.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp chế biến, hỗ trợ thị trường. Tăng cường đàm phán, ký kết trao đổi nghị định thư về sản phẩm; chú trọng phát triển thị trường FTA.
Cùng vớ đó, đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong chỉ đạo sản xuất, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích, về cơ bản, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, phù hợp với sản xuất của Việt Nam song thị trường Trung Quốc nay không còn là thị trường dễ tính. Đặc biệt Trung Quốc cũng đã là thành viên của Hiệp định RCEP.
Trong bối cảnh đó, các địa phương cần thúc đẩy sản xuất theo hướng xuất khẩu chính ngạch cũng như đáp ứng được truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường cũng như các tiêu chuẩn của Hiệp định RCEP.