> Người mẫu 'nude để thiền' lên ảnh
Loạt ảnh này không mới nhưng vẫn đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, nhất là thời gian gần đây, tác phẩm "nude để thiền" - có liên quan đến Phật giáo, bị nhiều người cho là "dung tục".
Theo thông tin trên website Qiqu của Trung Quốc, trong loạt hình được giới thiệu, cô gái trẻ đã cởi bỏ toàn bộ xiêm y, dùng một chiếc chăn mềm quấn quanh người và ngồi trên ghế. Ở phía đối diện, người nghệ sĩ bắt đầu dùng bút lông viết chữ lên cơ thể khỏa thân. Đường bút càng xuống thấp thì cô gái lại kéo chăn xuống thấp thêm...
Câu kinh “Quán tự tại bồ tát” mở đầu tác phẩm từ bên trái, gần tim xuống ngực rồi được viết dần sang bên phải, đến đùi phải rồi kết thúc bên đùi trái với câu chú “yết đế, yết đế…”. Và rồi cảm thấy như chưa đủ, người nghệ sĩ lại khóa tất cả lại bằng một chữ “Phật” thật lớn ở sau lưng...
Người nghệ sĩ thể hiện thư pháp “Nhân thể dữ tâm kinh”.Người mẫu táo bạo tham gia trải nghiệm này là một sinh viên họ Lưu vốn rất đam mê nghệ thuật sắp đặt. Cô gái trẻ không ngại ngùng khi phô diễn cơ thể trước người lạ và cho rằng đây là một hoạt động nghệ thuật rất cá tính. Hoạt động nghệ thuật này diễn ra tại Thẩm Quyến (Trung Quốc).
Cư dân trên một số diễn đàn và mạng xã hội Việt còn đi sâu vào tìm hiểu và chia sẻ bài viết về tác phẩm thư pháp này.
Theo đó, nghệ sĩ trong bức ảnh đã sử dụng nghệ thuật thư pháp “Nhân thể dữ tâm kinh”, là thư pháp được viết trên cơ thể phụ nữ đẹp lõa thể, khởi nguồn từ Trung Quốc.
Bài viết "Thư pháp viết trên cơ thể phụ nữ" phân tích: Bài kinh được viết trên cơ thể của cô gái chính là bài "Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh" được viết bằng Hán tự, theo bản dịch của ngài Huyền Trang. Bài kinh chi vỏn vẹn có 260 chữ nhưng được xem là 1 trong những pháp môn tu quán chiếu để đi đến giác ngộ của những người tu học Phật.
Câu kinh được xem là thâm ảo nhất trong bài kinh Bát nhã là: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị” (sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng là như vậy).
Theo quan niệm Phật giáo, sắc, thọ, tưởng, hành, thức được gọi là năm uẩn (ngũ uẩn). Năm uẩn tập họp lại mà thành thì gọi là chúng sinh, hay con người.
Nói dễ hiểu, theo ngôn ngữ hiện đại, sắc là cơ thể, thọ là cảm nhận, tưởng là mong muốn, hành là làm, thức là biết. Trong năm uẩn này, sắc thuộc về thực thể, là thân, là xác. Bốn uẩn còn lại thuộc về tâm, là ý, là ham muốn. Nói "sắc tức thị không" thì dễ, nhưng gặp cảnh mà coi sắc cũng là không e rằng thì khó lắm!
Tác giả bài viết tán thán người họa sĩ: "Tôi phải công nhận là ý chí, tinh thần ông rất tuyệt vời... Mỗi nét bút ông kéo lên hay đi xuống là đi cùng nhịp thở, cùng cảm xúc của cô gái. Quả là tâm không động. Người để cho viết tài, người viết lại càng tài. Có lẽ cả hai đều vượt qua cái giới hạn của hình sắc để đạt đến cái độ "sắc tức là không" “vì không có những chướng ngại trong tâm nên không có sợ hãi và xa rời mọi cuồng si mộng tưởng”.
Tuy nhiên, trên một số diễn đàn và mạng xã hội, nhiều người cho rằng tác phẩm "Kinh Phật trên cơ thể mỹ nữ khỏa thân" này dung tục và phản cảm. Thành viên Hải Công bình luận: “Cái gì thế không biết. Cái đẹp viển vông ở đâu thì không thấy nhưng mà thấy rõ sự dung tục tăng cao, làm mất hết đi cái linh thiêng của kinh Phật”. “Tác phẩm đẹp, nhưng trông không có thẩm mĩ gì cả. Tâm kinh mà viết lên thân thể người phụ nữ đẹp thế này thì người ta chỉ nhìn người phụ nữ chứ ai thời gian đâu đọc đến kinh”, nickname Anh Thanh nhận xét.
Trên diễn đàn Lyhocphuongdong, thành viên Wildlavender chia sẻ: “Chẳng biết nói sao khi những hình ảnh này tồn tại dù chỉ để minh họa cho trường phái thư pháp hay "Tâm kinh nhân thể"! Thiển nghĩ đã là kinh thì cần đặt nơi trong sạch và tôn quý, dù vẫn biết cơ thể con người cũng là vốn quý nhưng sự sáng tạo này có đảm bảo cho người xem thụ kinh hay thụ thị giác qua phần nền của bản kinh? Người đọc có hiểu hết bài kinh không hay bị phân tán bởi cơ thể cô gái? Từ đó mất đi giá trị cao quý của phẩm kinh? Liệu một viên ngọc quý ta đặt dưới đất có đảm bảo vùng đất đó không ô uế?"
"Có thể tác giả muốn thể hiện sự công phu của mình nhưng sao không chọn một bài thơ hay một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo nào đó mà lại chọn bài kinh? Tôi lấy làm tiếc cho những tài năng thích đem sự độc đáo của cá nhân mà vay mượn phần thiêng liêng để tạo danh thế cho mình".
Cùng chung quan điểm, thành viên Tuệ Mỹ cho rằng: “Người đi ngắm mấy tác phẩm nghệ thuật này chắc chỉ ngắm người mẫu, chứ mấy chữ trên mẫu chắc chả "chui" vào đầu được đâu. Với cả mình thấy tâm kinh mà lại viết lên cơ thể... thấy cứ không trong sáng, sạch sẽ chút nào... Cái thể loại này, xin lỗi mình không thể ủng hộ!”.
"Nói tóm lại thì cuối cùng mục đích của nude cũng chỉ là đem thân thể ra thu hút sự tò mò của công chúng thôi. Ngay việc nude viết thư pháp thế này, nếu không có mấy cô người mẫu kia thì có lẽ triển lãm cả trăm bức thư pháp cũng chẳng có "ma" nào đến xem, còn có nude thì người ta kéo đến như họp chợ ngay ấy mà” - Tiêu Dao viết.
Thành viên Long Nguyen nhận xét: “Thư pháp viết trên cơ thể phụ nữ là sự sáng tạo hay một chiêu trò câu khách, câu người xem? Và liệu rằng nó có phải là sự cuốn theo trào lưu nude để nhanh nổi tiếng như hiện nay không? Có vẻ như viết thư pháp trên người phụ nữ nude như vậy để cả nghệ sĩ và người phụ nữ nude đều trở nên nổi tiếng”.
Trong khi đó, thành viên Xoan Toc thì lại tỏ ra đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết trên: "Đúng là tinh thần của ông viết thư pháp là tinh thần thép thật. Người phụ nữ không một mảnh vải che thân mà ông ấy không có chút rung động nào thì cũng thấy đáng khâm phục. Còn cô gái kia cũng thật dũng cảm".
"Tuy thấy hơi tục khi lần đầu nhìn thấy những bức ảnh đó, nhưng ngẫm lại thì cũng thấy người viết thư pháp đó cũng tài hoa. Phải có tâm thật tịnh không rung động trước sắc giới, không bị yếu tố bên ngoài tác động có như thế thì mới hoàn thành được tác phẩm của mình, thể hiện đã đạt đến cái độ "sắc tức là không" - nickname Cô Bé nhận xét.
Thành viên Ca map thì khen ngợi: "Quá đẹp ấy chứ, sự cống hiến hy sinh vì nghệ thuật, chỉ những con người thực sự yêu quý nghệ thuật mới lĩnh hội hết được vẻ đẹp trong nó mà thôi...".
Theo Kiến thức