Ảnh hưởng lớn của Trung Quốc
Thực tế Zimbabwe mới là đối tác phụ thuộc vào Trung Quốc, khi cường quốc châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất và mang đến nhiều hỗ trợ cần thiết cho nền kinh tế mong manh đến từ châu Phi.
Theo BBC, mối quan hệ của Trung Quốc với Zimbabwe khởi đầu từ cuộc nội chiến Rhodesian Bush đã trở nên sâu sắc sau nhiều năm.
Vào năm 1979, sau khi không nhận được sự ủng hộ từ Liên Xô, Tổng thống Robert Mugabe đã tìm đến Trung Quốc và nhận sự giúp đỡ về đào tạo và vũ khí.
Trong nhiều năm qua, các quan chức của Zimbabwe đã ủng hộ chiến lược “Hướng Đông” và bắt tay với Trung Quốc tạo thành đòn bẩy chống lại phương Tây, đặc biệt là sau khoảng thời gian các biện pháp trừng phạt của EU thông qua vào năm 2002.
Phát biểu tại tổ hợp thể thao quốc gia do phía Trung Quốc đầu tư xây dựng ở Harare 10 năm trước, ông Mugabe từng nói: “Chúng tôi đã quay về phía Đông, nơi mặt trời mọc và trả mọi thứ lại phía Tây, nơi mặt trời lặn".
Hợp tác quân sự với Trung Quốc cũng sâu sắc hơn trong thời kỳ "Hướng Đông". Quốc gia châu Phi đã có những giao dịch đáng kể với Bắc Kinh, bao gồm các máy bay JL-8, JF-17, xe cộ, radar và nhiều khí tài khác.
Tuy nhiên, sau cuộc tranh cãi về một lô hàng vũ khí hồi năm 2008 , Bắc Kinh đã đưa Zimbabwe vào danh sách" hạn chế" giao dịch quân sự.
Bất chấp nỗ lực của Zimbabwe, cùng chiến lược "Hướng Đông" không mang theo làn sóng đầu tư theo kỳ vọng, vào tháng 8/2015, ông Mugabe nói trong bài diễn văn quốc gia đã công khai yêu cầu phương Tây “tái hợp”
Giờ đây, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và phương Tây đã dần cân bằng trở lại, trong đó nổi bật nhất là sự xuất hiện của Vương quốc Anh.
Không xa ở ngoại vi Thủ đô Harare, hai trong số các Đại sứ quán lớn nhất ở Zimbabwe là của người Anh và người Trung Quốc.
Trong khi các Đại sứ quán khác thu nhỏ hoặc đóng cửa, quy mô của Bắc Kinh được mở rộng.
Các nhà ngoại giao Anh kết nối tốt với các nhóm kinh doanh, xã hội dân sự và phe đối lập, còn người Trung Quốc có quan hệ tốt với đảng cầm quyền Zanu-PF, hệ thống an ninh quốc gia và Tổng thống.
Cũng giống như các quốc gia đang đầu tư tại đây, Bắc Kinh quan tâm đến sự ổn định, một môi trường đầu tư tốt hơn và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm Zimbabwe vào năm 2015 và Tổng thống Mugabe từng đến thăm Bắc Kinh vào tháng 1/2017.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết đất nước ông luôn khuyến khích các công ty có khả năng đầu tư vào Zimbabwe.
Nhưng giới doanh nghiệp nước này đang tỏ ra thận trọng và chờ đợi cho đến khi quốc gia châu Phi ổn định nền kinh tế.
Tranh cãi
Trung Quốc đã đầu tư rất lớn ở Zimbabwe mà tập trung chủ yếu vào thuốc lá, kim cương, và sản xuất điện. Tuy nhiên, một số vấn đề gây tranh cãi gần đây khiến các nhà đầu tư không thoải mái.
Vài năm trước, Tổng thống Robert Mugabe bắt đầu đòi hỏi các công ty nước ngoài hoạt động ở Zimbabwe phải sử dụng nhân lực cũng như chia sẻ cổ phần cho người bản địa, nhằm giảm bớt ảnh hưởng quá lớn từ bên ngoài. Điều này khiến lợi ích của các công ty Trung Quốc bị giảm sút.
Từ lý do trên, các phương tiện truyền thông vài ngày qua đã gán ghép chuyến đi của ông Tư lệnh lực lượng quốc phòng Constantino Chiwenga đến Trung Quốc dường như là để nhận một tín hiệu ủng hộ từ Bắc Kinh trong việc đảo chính.
Tin tức về việc việc ông Chiwenga đến thăm Trung Quốc chỉ một vài ngày trước khi quân đội tiếp quản quyền lực ở quốc gia châu Phi là sự trùng hợp khiến nhiều người chú ý.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ điều này khi nói chuyến thăm của ông Chiwenga mang tính chất “trao đổi quân sự bình thường” và tách biệt mọi liên quan đến tình hình rối loạn ở Harare.
Bắc Kinh cho biết, nước này đang theo dõi chặt chẽ diễn biến, nhưng không đưa ra quan điểm của mình về việc Tổng thống Mugabe có nên từ bỏ quyền lực.
Đa số các chuyên gia cũng đánh giá, Trung Quốc dường như không liên quan gì đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Zimbabwe.
Shen Xiaolei, chuyên gia của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã bác bỏ tin đồn Trung Quốc có ảnh hưởng nhất định đến quyết định đảo chính của giới quân đội nước này. "Chuyến thăm của Chiwenga đã được sắp xếp từ lâu, do đó không thể có chuyện ông ấy đến Trung Quốc chỉ vì vấn đề trên", ông nói.
"Kể từ khi Tổng thống Mugabe lên nắm quyền, ông đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Zimbabwe và đầu tư rất nhiều tại đây", Wang Xinsong, Phó Giáo sư tại Đại học Beijing Normal University cho biết, Bắc Kinh cũng không vui vẻ gì khi Zimbabwe chìm sâu vào bất ổn xã hội và bất ổn chính trị.
Tiến sĩ Michael Jennings, người đứng đầu bộ phận phát triển quốc tế tại Đại học SOAS London nhận định, cuộc gặp giữa tướng Chiwenga với các quan chức nhà nước Trung Quốc là hoạt động thường xuyên: “Trung Quốc không quan tâm đến mô hình chính trị của Zimbabwe. Họ chỉ quan tâm đến sự ổn định của đất nước”.
Cùng với đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu – tờ báo phản ánh quan điểm nhà nước Trung Quốc - đã có bài xã luận đề cao "tình hữu nghị lâu dài giữa Trung Quốc” và hy vọng “Zimbabwe sẽ vượt qua các rối loạn nội bộ".
Tờ báo này cũng dự đoán rằng phương Tây – vốn có sự thù địch với Tổng thống Mugabe - "có thể làm ngơ trước cuộc khủng hoảng này".