Cuối tuần trước, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp AI cốt lõi của nước này đạt mức hơn 150 tỷ NDT (22,15 tỷ USD) vào năm 2020 và 400 tỷ NDT (59,07 tỷ USD) vào năm 2025. Các lĩnh vực chính được đầu tư sẽ bao gồm các phần cứng và phần mềm trí tuệ nhân tạo, xe cộ và người máy thông minh, thực tại ảo và tăng cường thực tế.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc kêu gọi các doanh nghiệp, các trường đại học và lực lượng vũ trang Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn trong việc phát triển công nghệ AI. Trung Quốc cũng sẽ đào tạo thêm nhiều nhà khoa học và chuyên gia về AI. Quốc gia này cũng kêu gọi đẩy mạnh các nghiên cứu học thuật để kết nối AI với các ngành khoa học khác như khoa học nhận thức, tâm lý, toán học và kinh tế.
Với sự thúc đẩy mạnh mẽ cho ngành công nghiệp này, Trung Quốc đang tìm cách cạnh tranh với các đối thủ hàng đầu trên thị trường Mỹ như Google hay Microsoft, với hy vọng không bị bỏ lại sau trong công nghệ vốn đang ngày càng trở nên quan trọng đối với mọi sản phẩm từ ô-tô thông minh cho tới năng lượng. Bản lộ trình của Trung Quốc nhấn mạnh nước này đặt mục tiêu bắt kịp các nước dẫn đầu thế giới bằng cách giải quyết các vấn đề như thiếu hụt các bộ vi xử lý máy tính cao cấp, phần mềm và nguồn nhân lực được đào tạo. Bắc Kinh cũng muốn đóng một vai trò quan trọng hơn thông qua việc điều chỉnh và hỗ trợ chính sách.
Phát biểu bên lề Hội nghị về AI tại Thượng Hải ngày 20/7, ông Rui Yong, Giám đốc Công nghệ của hãng máy tính Lenovo nói: "Chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc đang ủng hộ nhưng nỗ lực về trí tuệ nhân tạo. Họ đã nhìn thấy xu hướng sắp tới và họ muốn đầu tư thêm vào nó".
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tuyên bố "vấn đề an ninh quốc gia và cạnh tranh quốc tế của Trung Quốc là rất phức tạp", góp phần tạo ra kế hoạch thúc đẩy ngành AI trong nước. Tuyên bố này viết: "Trí tuệ nhân tạo đang trở thành trọng tâm trong cạnh tranh quốc tế. Chúng tôi phải đưa ra sáng kiến nhằm nắm chắc giai đoạn phát triển mới của ngành trí tuệ nhân tạo và tạo ra một lợi thế cạnh tranh mới, mở ra cơ hội phát triển những ngành công nghiệp mới và tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia".
Trước khi bản kế hoạch ra mắt, Trung Quốc thực tế đã đầu tư mạnh mẽ vào AI, trong khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gọi đây là một ngành công nghệ chiến lược trong bản báo cáo thường niên hồi đầu năm nay. Vào tháng 2/2017, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã phối hợp cùng tập đoàn Baidu, công ty tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc, mở một phòng thí nghiệm về Trí tuệ Nhân tạo để góp phần đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ này.
Ông Rui khẳng định nhà nước chính thức hỗ trợ AI bởi họ coi nó như một "cuộc cách mạng công nghiệp" mới nhất, tương tự các cuộc cách mạng về động cơ hơi nước, điện năng hay Internet trước đây. Ông nói: "Họ dự báo cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư sắp diễn ra và nghĩ rằng tốt nhất nên đầu tư, hỗ trợ và xây dựng một hệ sinh thái thật mạnh mẽ".
Kế hoạch về AI của Bắc Kinh được công bố trong bối cảnh Mỹ cũng đang tăng cường kiểm soát các khoản đầu tư, trong đó có cả đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, với lo ngại rằng các nước như Mỹ có thể tiếp cận được các công nghệ quân sự chiến lược quan trọng. Trước đó, Mỹ cũng đã tung ra một bản kế hoạch phát triển Trí tuệ nhân tạo quốc gia tương tự vào tháng 10-2016.
Theo Nhân Dân