Bắc Kinh đang yêu cầu các ngân hàng chính sách thuộc sở hữu nhà nước cung cấp 800 tỷ NDT (120 tỷ USD) tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang chịu nhiều sức ép.
Chính sách kích thích được công bố tại cuộc họp Hội đồng Nhà nước do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, nhằm hỗ trợ một phần đáng kể chi phí cơ sở hạ tầng trong năm nay và giúp các chính quyền địa phương ứng phó với sự sụt giảm nguồn thu.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi nỗ lực toàn diện để thúc đẩy cơ sở hạ tầng vào năm 2022, với chính sách tăng trưởng thông qua đầu tư công. Tuy nhiên, việc tài trợ cho khoản chi thêm có thể là vấn đề phức tạp khi doanh số bất động sản sụt giảm và sự bùng phát dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến nguồn thu chính phủ.
Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng về khu vực Trung Quốc và Bắc Á của Ngân hàng Standard Chartered Plc tại Hồng Kông, nhận định: “Chúng tôi cho rằng ba yếu tố chính cho đầu tư - dự án, tài chính và khuyến khích - đều được diễn ra trong năm nay. Khoản vay 800 tỷ NDT bổ sung từ các ngân hàng chính sách sẽ lấp đầy khoảng trống tài chính nếu có”.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tăng 10-15% trong năm nay, mặc dù điều đó có thể vẫn không đủ để bù đắp những khó khăn của tăng trưởng kinh tế. Theo Bloomberg Economics ước tính, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vào năm 2021 lên đến 23 nghìn tỷ NDT.
Bắc Kinh đã tăng cường kêu gọi tăng tốc thực hiện các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kể từ khi dữ liệu chính thức cho thấy hoạt động kinh tế tháng 4 sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Sự suy giảm đã tiếp tục kéo dài sang tháng 5.
Công ty chứng khoán hàng đầu Nhật Bản Nomura Holdings Ltd ước tính khoảng trống tài trợ của chính phủ Trung Quốc có thể đạt 6 nghìn tỷ NDT trong năm nay, một phần do doanh thu từ bất động sản giảm mạnh, đây vốn là nguồn tài trợ chính cho đầu tư cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương.
Khoản tài trợ 800 tỷ NDT do Hội đồng Nhà nước công bố mới đây tương đương gần một nửa so với 1,65 nghìn tỷ NDT khoản cho vay mới của ngân hàng chính sách vào năm 2021.
Các bên cho vay chính sách của Trung Quốc bao gồm Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Các ngân hàng này thường được kêu gọi hỗ trợ tài chính cho những dự án lớn bao gồm cả cơ sở hạ tầng.
Chẳng hạn, vào năm 2014, các ngân hàng chính sách được yêu cầu cung cấp vốn cho dự án cải tạo khu ổ chuột của quốc gia. Họ cũng được thúc giục tăng cường tài trợ cho các dự án đầu tư lớn vào đầu năm nay, như một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nguồn vốn của các ngân hàng phát triển chủ yếu đến từ việc phát hành trái phiếu hoặc khoản vay từ ngân hàng trung ương Trung Quốc. Các ngân hàng có thể huy động tiền bằng cách bán trái phiếu để tài trợ cho việc mở rộng tín dụng, bao gồm trái phiếu dài hạn với kỳ hạn 5, 10 hoặc lên tới 20 năm.
Chuyên gia kinh tế Peiqian Liu về khu vực Trung Quốc tại công ty lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm Natwest Markets Plc nhận định Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay lượng tiền mà các ngân hàng phải dự trữ thêm 50 điểm cơ bản để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường tài chính.
Bất chấp nỗ lực triển khai các biện pháp kích thích kinh tế, triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc còn phụ thuộc vào cách mà chính phủ ứng phó với những đợt bùng phát dịch Covid-19. Vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc năm 2022 còn 4,4% từ mức 4,8% đưa ra hồi tháng 1. Con số dự báo thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà chính phủ nước này đặt ra là khoảng 5,5%.
Tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã được kiểm soát trong những tuần gần đây, trung tâm tài chính Thượng Hải đang dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên, chính sách Zero Covid của chính phủ, theo đó yêu cầu hạn chế hoạt động tại bất cứ khu vực nào bùng phát dịch bệnh, vẫn gây sức ép đối với tiêu dùng.
Phạm Hà Thanh (theo Aljazeera, SCMP)