Trẻ tại các cơ sở mầm non tư thục bị bạo hành là vấn đề không mới. Vụ việc Mầm Xanh chỉ là câu chuyện mới nhất. Liên quan vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học về những giải pháp có thể làm ngay để chặn các vụ bạo hành trẻ.
Trung tá Đào Trung Hiếu đề xuất lắp camera ở các cơ sở mầm non tư thục đấu nối với công an phường để ngăn bạo hành trẻ. Ảnh: Đỗ Thơm
Để xảy ra bạo hành là do buông lỏng quản lý
PV:Vụ việc bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh không phải là cá biệt. Chúng ta cũng từng bức xúc, đau lòng khi các vụ tương tự xảy ra trước đó. Nguyên nhân nào khiến tình trạng này không bị đẩy lùi, thưa ông?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Theo những gì trong clip được chia sẻ, chuyện xảy ra ở cơ sở mầm non Mầm Xanh không phải lần đầu tiên mà kéo dài cả quá trình nhưng không bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý.
Vấn đề là trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu mà để sự việc xảy ra. Hiện tượng này không phải cá biệt, không phải xảy ra trong một ngày. Chính vì thế, người quản lý an ninh trật tự ở địa bàn phải biết. Chúng ta có rất nhiều lực lượng, tổ chức đoàn thể bảo vệ quyền trẻ em nhưng họ đã không làm tròn vai.
Nguyên nhân thứ hai là ý chí chủ quan của những người làm việc tại cơ sở mầm non. Họ thừa biết quyền trẻ em đến đâu, trong đó các hành vi xâm hại đến sức khỏe thể chất, tinh thần trẻ là bị nghiêm cấm nhưng họ vẫn thoải mái thực hiện các hành vi bạo hành dã man trẻ em khiến cộng đồng không thể chấp nhận. Đây không phải câu chuyện không có luật, không hiểu luật. Ở đây là coi thường pháp luật.
PV: Nhìn từ góc độ tâm lý tội phạm, làm sao lý giải được một bảo mẫu bình thường nhưng bỗng chốc lại có hành vi bạo hành trẻ em như từng xảy ra, thưa ông?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Tôi chia sẻ là nghề giáo viên mầm non có nhiều áp lực. Đặc biệt là chăm sóc trẻ em dưới 5 tuổi, các con non nớt về thể chất, trí tuệ. Các con có thể sẽ không thực hiện ngay yêu cầu của các cô bảo mẫu. Đây là một nghề rất áp lực, dễ tạo bức xúc, dạy trẻ là nghề khó khăn. Tuy nhiên, khi đã chọn nghề giáo viên mầm non, họ phải thích nghi, phải tuân thủ các quy định pháp luật, dùng tình thương để dỗ dành các con làm theo ý mình bằng các biện pháp ôn hòa. Chính vì thế, các hành vi bạo hành trẻ không gì có thể biện minh
Dưới con mắt nhà điều tra, người nghiên cứu tội phạm học, tôi cho rằng các hành động đánh đập các con xảy ra tự nhiên vì người trong cuộc có cảm giác an toàn. Họ yên tâm là hành vi của mình không bị phát hiện. Đó là chìa khóa sâu thẳm mà trong tư vấn các giải pháp, tôi sẽ đi từ mấu chốt bên trong tâm lý của người vi phạm.
Phải xử nghiêm một số người để làm gương
PV: Vậy các giải pháp chúng ta cần phải làm để ngăn ngừa các hành vi bạo hành trẻ là gì, thưa ông?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Bàn về các giải pháp, chúng ta có hệ thống các giải pháp mang tính bình diện xã hội và các giải pháp cụ thể trong trường hợp này. Theo quan điểm của tôi để ngăn ngừa tình trạng bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non tư thục trong cả nước, việc đầu tiên là việc tăng cường phổ biến giáo dục luật Trẻ em 2017. Trong đó có quyền không bị bạo lực, hành hạ thể xác của trẻ em.
Trước hết, chúng ta cần tuyên truyền cho 3 đối tượng. Đầu tiên là chính người làm việc tại cơ sở mầm non, để họ hiểu rằng trẻ em là đối tượng được bảo vệ đặc biệt của xã hội. Thứ hai là những người dân sống xung quanh các cơ sở này. Điều này xuất phát từ kinh nghiệm làm trọng án nhiều năm. Chính quyền không thể ngày nào cũng giám sát nhưng người dân xung quanh sẽ thường xuyên nghe thấy tiếng trẻ khóc. Nếu họ nhận thức được hành vi đánh đập trẻ em là sai và họ có trách nhiệm phải trình báo cơ quan pháp luật thì các vụ việc như vậy sẽ sớm được phát hiện. Đối tượng thứ ba cần tuyên truyền là chính phụ huynh của trẻ.
Tiếp đó, các ngành chức năng có liên quan phải giám sát chặt chẽ cơ sở mầm non đóng trên địa bàn. Các quy định đã có, vấn đề là phải làm đúng cơ sở pháp luật. Để xảy ra các vụ việc bạo hành trẻ mầm non, nguyên nhân là do sự buông lỏng quản lý, kiểm tra. Bên cạnh những người bạo hành trẻ đương nhiên phải bị xử lý thì cũng phải xử những người thiếu trách nhiệm để xảy ra vụ việc.
Theo tôi, hãy kỷ luật nghiêm khắc những người liên quan vụ việc này, sẽ có tác dụng răn đe cán bộ ở địa bàn khác.
Biết bị giám sát, bảo mẫu sẽ không dám đánh trẻ
PV: Vậy dựa vào “chìa khóa sâu thẳm”, mấu chốt bên trong tâm lý tội phạm, giải pháp cụ thể mà ông đề xuất là gì, thưa ông?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Trên cơ sở xử lý thứ bên trong quyết định người phạm tội thực hiện hành vi, tôi đề xuất phương án lắp camera ở các trường mầm non tư thục đấu nối máy với công an phường. Việc này sẽ tạo hiệu ứng giống như trong phòng thi các thí sinh được thông báo có camera, hành vi quay cóp sẽ được ghi hình lại. Họ biết mình đang bị giám sát sẽ không dám có hành vi tự tung, tự tác như ở trường Mầm Xanh.
Đề xuất này dựa trên tâm lý học tội phạm, các bảo mẫu ở cơ sở mầm non Mầm Xanh dám đánh đập trẻ vì họ biết rằng trẻ không nói được với ai. Nhưng nếu có camera đấu nối với công an phường, tôi tin chắc các bảo mẫu sẽ không dám làm.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm