Ngày 16/8, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết, trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị Covid-19 đặt tại bệnh viện chính thức đi vào hoạt động.
Đây là một trong 12 trung tâm hồi sức tích cực quốc gia được bộ Y tế thành lập trên cả nước. Trung tâm có quy mô 200 giường được xây dựng khẩn cấp trên cơ sở của trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến của bệnh viện nằm biệt lập với các khu vực điều trị khác của bệnh viện.
Theo phân tầng điều trị của bộ Y tế, trung tâm có nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng, nguy kịch tại TP.Cần Thơ và các bệnh viện tuyến dưới trong khu vực ĐBSCL chuyển đến.
Để phục vụ riêng cho công tác điều trị của trung tâm, bệnh viện cũng lắp đặt thêm 1 bồn ô-xy 20 m3, đảm bảo nguồn ô-xy sử dụng trong 1 tháng.
Đặc biệt, với gói tài trợ trên 50 tỷ đồng từ ngân hàng Techcombank, trung tâm được trang bị đầy đủ máy móc trang thiết bị từ kỹ thuật chuyên sâu như ECMO, lọc máu liên tục, máy thở,…
Trong đó, có 40 máy thở chức năng cao, 30 máy thở lưu lượng cao qua đường mũi, 150 máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số, 1 máy phá rung tim tạo nhịp, 2 máy đo khí máu, 2 máy siêu âm Doppler màu, 5 máy X-Quang di động, 300 bơm tiêm điện, 150 máy truyền dịch, 200 giường hồi sức,…
Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ huy động 32 bác sĩ cùng 50 điều dưỡng để phục vụ cho trung tâm trên.
Đây là lực lượng chủ chốt của khoa Hồi sức tích cực và chống độc; cùng với đó là bổ sung từ các khoa Đột Quỵ, Bệnh nhiệt đới, khoa Gây mê hồi sức, Phẫu thuật tim, Nội tim mạch, Hô hấp, Tiêu hóa,...
Đáng chú ý, trong ngày, lực lượng bác sĩ đã hội chẩn với bệnh viện tuyến trước 5 trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng và tiếp nhận thêm 2 ca nhiễm Covid-19 nguy kịch đưa đến trung tâm điều trị.
Trước tình hình dịch đang diễn biến rất căng thẳng ở các tỉnh miền Tây, việc đưa vào hoạt động trung tâm hồi sức quốc gia điều trị Covid-19 ngay tại Cần Thơ có ý nghĩa rất quan trọng cho cả khu vực ĐBSCL.
Thanh Lâm