Tòa nhà đại sứ Mỹ được coi là nằm ở vị trí “đắc địa” tại thủ đô Berlin. Còn chỗ nào tốt hơn Pariser Platz vì cách đó vài bước chân là tòa nhà Quốc hội Đức. Khi bước ra khỏi ngưỡng cửa Tòa đại sứ Mỹ là nhìn thấy ngay Cổng chào Brandenburg nổi tiếng của Đức.
Khi người Mỹ bước vào đại sứ quán khổng lồ năm 2008, họ đã tổ chức bữa tiệc linh đình với hơn 4.500 khách mời. Cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush cắt băng khánh thành và Thủ tướng Angela Merkel hết lời chúc tụng. Kể từ đó, người Mỹ thường hay tản bộ trên mái tòa nhà đại sứ có lẽ để thoải mái “phóng tầm mắt” đến tòa nhà Quốc hội Đức và công viên Tiergarten.
Từ mái tòa nhà đại sứ, một đơn vị đặc biệt của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) có thể giám sát mọi cuộc giao tiếp bằng điện thoại của các quan chức chính phủ Đức. Hành động của NSA đã gây chấn động chính trường Đức, nhất là đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của bà Merkel - người bạn thân thiết của Washington.
Đơn vị đặc biệt SCS
Một tài liệu tuyệt mật năm 2010 của NSA tiết lộ một đơn vị có tên gọi "Ban Thu thập thông tin đặc biệt" (SCS) có hoạt động bí mật ở thủ đô Berlin nước Đức cũng như ở những nơi khác. SCS được coi là nơi tập hợp các chuyên gia tình báo cừ khôi nhất của NSA và CIA, hoạt động mạnh ở 80 khu vực trên khắp thế giới, và 19 trong số đó là ở châu Âu - với các thành phố lớn như Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha), Rome (Italia), Prague (Cộng hòa Czech) và Geneva (Thụy Sĩ).
SCS duy trì 2 căn cứ ở Đức - một ở Berlin và một ở Frankfurt - với những trang thiết bị tình báo tín hiệu (SIGINT) hiện đại nhất. Các đội của SCS ẩn thân bên trong các tòa nhà đại sứ và lãnh sự Mỹ ở nước ngoài dưới lốt nhân viên ngoại giao để có được những đặc quyền. Được bảo vệ dưới vỏ bọc nhà ngoại giao, họ dễ dàng nhòm ngó và lắng nghe thoải mái mà không thể bị bắt giữ. Việc nghe lén từ một đại sứ quán được coi là bất hợp pháp tại gần như mỗi quốc gia trên thế giới, song đó lại là nhiệm vụ của SCS.
Theo một tài liệu mật do Erdward Snowden tiết lộ, SCS bí mật kiểm soát các tín hiệu điện thoại di động, mạng Internet không dây và giao tiếp qua vệ tinh. Các thiết bị nghe lén được bố trí ở tầng thượng hay mái tòa nhà đại sứ quán, nơi mà công nghệ gián điệp có thể bắt được các tín hiệu radio yếu nhất được che đậy bằng bức màn che chắn khổng lồ nhằm để tránh né những ánh mắt tò mò từ trên không. Còn nhân viên SCS làm việc bên trong những phòng nhỏ kín đáo không cửa sổ đầy những sợi cáp cũng ở sát mái nhà.
Theo chuyên gia an ninh Đức Andy Muller Maguhn, có lẽ nhân viên SCS sử dụng cùng một công nghệ gián điệp nghe lén như nhau trên khắp thế giới. Họ có thể chặn bắt các tín hiệu điện thoại di động cùng lúc định vị đối tượng mục tiêu. Một trong những hệ thống ăngten mà SCS mang tên mã nghe có vẻ hiền lành là "Einstein".
SCS - được gọi là F-6 trong NSA - đặc biệt quan tâm che giấu công nghệ của họ, nhất là các hệ thống ăngten khổng lồ đặt trên mái các tòa nhà đại sứ và lãnh sự. Bởi vì, nếu hệ thống gián điệp bị phát hiện thì - theo một tài liệu tuyệt mật giải thích - "sẽ gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các mối quan hệ của Mỹ với một chính phủ nước ngoài". Theo tiết lộ từ Edward Snowden, các nhóm SCS cũng có khả năng chặn bắt các tín hiệu sóng cực ngắn (viba) và sóng milimét (Millimeter-Wave - MMW).
Một số chương trình của SCS - như là "Birdwatcher" - chủ yếu xử lý những giao tiếp mã hóa tại các quốc gia nước ngoài và tìm kiếm những điểm truy cập tiềm tàng. "Birdwatcher" được kiểm soát trực tiếp từ trụ sở chính của SCS ở Fort Meade bang Maryland (tổng hành dinh của NSA). Với sự lan truyền chóng mặt của Internet hiện nay, công việc của SCS cũng có sự thay đổi và khoảng 80 nhánh của SCS chịu trách nhiệm thực hiện các chiến dịch trên nền tảng web. Trong tình hình hiện nay, SCS không chỉ đánh chặn các tín hiệu điện thoại di động và giao tiếp qua vệ tinh mà còn chống lại bọn tội phạm và hacker trên khắp thế giới. Từ một số tòa nhà đại sứ quán, nhân viên SCS lén lút cài các bộ cảm biến vào thiết bị giao tiếp của nước sở tại.
Ngoại trưởng Đức Guido Westrwellr (bìa trái) và tân Đại sứ Mỹ John Emerson (giữa) ở Đức.
Một tài liệu nằm trong cơ sở dữ liệu của NSA có ghi số điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Số điện thoại này thủ tướng chủ yếu sử dụng để giao tiếp - thường bằng tin nhắn SMS - với các thành viên CDU, các bộ trưởng và những người thân thiết. Giới chức NSA gọi số điện thoại này của Merkel là "Giá trị chọn lọc". Có bằng chứng cho thấy NSA giám sát điện thoại của bà Angela Merkel từ năm 2002, tức hơn một thập niên - từ lúc bà giữ chức Chủ tịch đảng CDU cho đến khi trở thành Thủ tướng nước CHLB Đức!
Theo định kỳ, Nhà Trắng và các cơ quan tình báo Mỹ ngồi lại với nhau để lập một bản danh sách gọi là "Khung các ưu tiên tình báo quốc gia" và được tổng thống phê chuẩn. Một hạng mục trong bản danh sách này gọi là "những mục đích của giới lãnh đạo" chú trọng đến giới lãnh đạo chính trị của một quốc gia. Chính quyền Mỹ đặc biệt quan tâm đến những mục đích của giới lãnh đạo Trung Quốc và chúng được đánh số 1 trong thứ tự từ 1 đến 5. Mexico và Brazil nhận chữ số 3 trong hạng mục. Các cơ quan tình báo Mỹ chủ yếu quan tâm đến sự ổn định kinh tế và các vấn đề chính sách của hai nước này. Đức cũng có mặt trong bản danh sách.
Cựu nhân viên tình báo NSA Thomas Drake cho biết: "Sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, nước Đức trở thành mục tiêu gián điệp số 1 ở châu Âu".
Trang Thuần (CAND Online)