Trạm xá biến thành nhà nghỉ
Ngày 24.2.1993, Cty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Bách Khoa (Poly Co.LTD - trụ sở C10 Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Năm 2004, để phục vụ cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh của Cty này sang lĩnh vực... “nhà nghỉ” (lĩnh vực kinh doanh này được Cty TNHH Bách Khoa đăng ký bổ sung vào lần thay đổi thứ sáu, ngày 29.12.1997), Ban giám hiệu Trường ĐH Bách khoa lúc đó đã thực hiện một vụ “dồn toa lịch sử” là bắt Trạm xá Bách khoa (nay gọi là Trung tâm y tế Bách khoa) nhường toàn bộ sở sở vật chất khang trang được xây dựng bằng tiền ngân sách nhà nước (ở số 1 ngõ 17 phố Tạ Quang Bửu) cho Cty TNHH Bách Khoa làm cơ sở kinh doanh.
|
Cơ sở cũ của Trạm xá Bách khoa được Cty TNHH Bách Khoa biến thành nhà khách phục vụ ăn nghỉ trong và ngoài nước. |
Tiếp đó, Ban giám hiệu yêu cầu đơn vị đề tài lắp ráp điện tử (đề tài) nhường trụ sở 2 tầng (trên bản đồ nội bộ của Bách khoa ký hiệu là B cạnh trạm điện B4, nay là số 5 Tạ Quang Bửu) được xây dựng bằng tiền tự có của đơn vị đề tài cho Trạm xá Bách khoa.
Bằng chứng cho vụ chuyển nhượng hy hữu này là “văn bản về việc di chuyển nhà 2 tầng khu vực B4” ngày 7.12.2004 với sự tham của đầy đủ ban bệ nhà trường, Phó Hiệu trưởng lúc đó là PGS Lê Cộng Hoà ký tên đóng dấu thay mặt cho Ban giám hiệu.
Theo văn bản này, Ban giám hiệu ĐH Bách khoa công nhận: “Các công trình do đề tài xây dựng bằng tiền tự có tại khu vực B4 đã được phép của nhà trường bao gồm các hạng mục: Khu nhà 1 tầng (ký hiệu A - nay là số 7 Tạ Quang Bửu) sau ký túc xá B3 và nhà 2 tầng (ký hiệu B) cạnh trạm điện B4, khu vực này có sân để xe ký hiệu là S1, S2 cộng hàng rào bao quanh; các công trình cải tạo lại tầng 2 nhà ăn B4 (ký hiệu C2) và 3 phòng tầng 1 nhà ăn B4 (ký hiệu C1); đường rải nhựa kiên cố (từ đầu nhà ăn 1-5 đến trạm điện B4 ngõ 15 Tạ Quang Bửu)”. Cũng theo văn bản thoả thuận này, đơn vị mới đến (tức trạm xá - PV) phải trả “chi phí thiết kế và xây dựng” đền bù cho đơn vị đề tài một ngôi nhà 2 tầng ở vị trí khu nhà 1 tầng ký hiệu A.
Theo báo cáo kinh tế kỹ thuật được lập ra năm 2005, khái toán tổng mức đầu tư cho việc xây dựng đền bù này là gần 800 triệu đồng.
Xoá sổ đơn vị đề tài - xóa dấu vết
Điều hiển nhiên là nếu Trạm xá Bách khoa lấy trụ sở của đơn vị đề tài phải đền bù, thì Cty TNHH Bách Khoa cũng phải trả tiền cho việc lấy cơ sở của trạm xá. Có như vậy trạm xá mới có kinh phí để thực hiện cam kết với đề tài, vì điều hiển nhiên là Ban giám hiệu ĐH Bách khoa không thể dễ dàng lấy 800 triệu từ ngân sách nhà nước cấp cho trường hằng năm được. Thế nhưng, việc “dồn toa” trong trả tiền này dường như không diễn ra..., nên dự án đền bù đã không bao giờ được thực hiện.
Rõ ràng, người hưởng lợi nhiều nhất trong vụ chuyển nhượng “xập xí xập ngầu” tài sản công này là Cty TNHH Bách Khoa. Và để nuốt chọn mối lợi này thì cách đơn giản nhất là trây ỳ, rồi tìm cách xoá xổ đơn vị đề tài lắp ráp điện tử.
Bằng chứng sai phạm của ĐH Bách khoa biến trạm xá thành nhà nghỉ. |
Cơ hội đã đến khi TS Đỗ Hoàng Tiến - Chủ nhiệm đề tài - nhận quyết định nghỉ hưu vào tháng 2.2009. Liên tiếp trong tháng 9.2009, bà Phạm Thu Thuỷ - Phó Hiệu trưởng phụ trách quản trị cơ sở hạ tầng, đất đai của Trường ĐH Bách khoa - ra 2 văn bản gửi “các cá nhân đang sử dụng nhà B4” (cách bà Thuỷ gọi đơn vị đề tài) phải chấm dứt hoạt động, dời đi với đe doạ “cắt điện toàn bộ khu vực”, “xây bịt các cổng ra vào”.
Lý giải cho hành động này, ông Nguyễn Trọng Giảng - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa - cho rằng, việc thu hồi cơ sở B4 là để đảm bảo quản lý tài sản của Nhà nước (?!). Còn bà Phạm Thu Thuỷ khẳng định với PV: “Đề tài lắp ráp kết thúc từ năm 1990, không thể nào nói đề tài là cơ sở cho họ làm việc ở đấy” (?!).
Vậy động cơ gì bà Phạm Thu Thuỷ sổ toẹt về sự tồn tại và hoạt động của đơn vị đề tài? Lý giải động cơ của bà Phạm Thu Thuỷ cũng rất đơn giản, theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Cty TNHH Bách Khoa, bà Thuỷ là người đại diện cho Trường ĐH Bách khoa bên cạnh thành viên tư nhân khác góp vốn cho Cty TNHH này (?!).
- “Tổ chức, cá nhân sau đây không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại VN: a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân VN sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; b) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức” (khoản 2, Điều 13: Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp - Luật Doanh nghiệp năm 2005). - Những việc cán bộ, công chức không được làm: “Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật” (khoản 2, Điều 18); “cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền” (Điều 20 – Luật Cán bộ, công chức). - Các hành vi tham nhũng: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi” (khoản 9, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005).
P.V
|
Theo Lao động