Hôm qua, VTV1 đã làm rất nhiều người rơi nước mắt khi phát phóng sự về học sinh bán trú ở một ngôi trường vùng cao phía Bắc. Những người phụ nữ dân tộc ở đây rất quý các túi nilon, đi chợ về là cất rất kỹ. Chúng rất có tác dụng khi các bà mẹ dùng để đùm cơm cho con đi học. Ống kính cận cảnh các cháu lít nhít ăn trưa, của ai nấy ăn, mỗi cháu một cục cơm trong cái túi nilon các bà mẹ đi chợ về cất kỹ kia. Đa phần là cơm không thức ăn. Vài cháu “có điều kiện” thì có gói gia vị mì tôm, xé ra đổ vào lòng bàn tay, ăn dè với cơm từng tí một. Cảm xúc òa lên khi cận một cháu cầm cả cục cơm trong túi nilon đưa lên miệng cắn và nhai ngon lành. Cô giáo các cháu khóc, người xem tivi khóc.
Tất nhiên đấy là đoạn mở đầu, đoạn thực trạng để chiếu đoạn sau là có một đoàn thiện nguyện lên tổ chức Trung thu cho các cháu. Lần đầu tiên các cháu biết thế nào là bánh nướng (bánh Trung thu), bánh dẻo và đèn lồng, đèn ông sao... Ngoài ra các cháu cũng được tặng những cái cặp lồng giữ nóng để mang cơm đi học.
Tuổi thơ của thế hệ tôi, sơ tán ở nông thôn, nhưng cũng có Trung thu. Những Trung thu tự chế bằng cách làm lấy đèn ông sao, làm lấy trống từ... da ếch căng vào ống bơ sữa bò, cỗ trung thu là trái cây vườn nhà, những thị, những na, những bưởi, những ổi. Thi thoảng có miếng bánh dẻo, bánh nướng thì cắt mỏng như lưỡi mèo chia nhau, và để dành mãi không dám ăn. Và cũng phá cỗ, cũng múa hát dưới sự hướng dẫn của các anh chị đoàn viên thanh niên...
Khi ấy tôi chưa từng biết, tới giờ, cũng vẫn còn nhiều trẻ em vùng cao chưa biết Trung thu, hoặc chỉ biết qua... bài hát, qua lời cô giáo.
Nên tôi rất cảm phục những người tốt bụng, mang Trung thu tới cho các cháu.
Mỗi người một tay, để Trung thu cho các cháu lan tỏa trên đất nước ta.
Nó không chỉ là Trung thu, mà là tuổi thơ, là niềm vui, là hạnh phúc trẻ con. Nó là sự bình đẳng, sự quan tâm san sẻ.
Nên năm nào chương trình “Ước mơ của Thúy” cũng mang Trung thu tới cho trẻ em ở các bệnh viện ung thư. Năm nay chương trình này mang Trung thu tới cho bệnh nhi ở hai bệnh viện ung thư Đà Nẵng và Huế. Đã 16 năm rồi chương trình này đi cùng và chia sẻ nỗi đau với các bệnh nhi ung thư.
Năm nào trước Trung thu, một người bạn của tôi, chính xác là bạn đọc online của tôi ở Úc cũng gửi tôi khoản tiền một ngàn đô Úc, nhờ tôi tổ chức Trung thu cho hai nơi là mái ấm Giuse ở huyện Chư Sê, nơi có ông cha tên Đinh Minh Nhật, mấy chục năm nay thường xuyên nuôi gần 150 cháu bé mồ côi, đa phần là do ông cứu cháu ngay khi vừa sinh ra và chuẩn bị chôn theo mẹ theo phong tục vì mẹ chết. Năm nay là 140 cháu. Nơi nữa là cái “gia đình điên” mà tôi hay gọi là “trại điên Phước Hạt” bởi nó do hai vợ chồng nghèo Phước Hạt, cũng... nổi máu điên khi liên tục nuôi và chăm sóc hơn trăm người điên trong nhà mình ở ngay tại thành phố Pleiku.
Những người điên được đưa đến từ rất nhiều nơi trong nước. Đa phần là tứ cố vô thân, đa phần là chữa khắp nơi không khỏi, thì mang đến. Có người được mang tới gửi gắm đàng hoàng, có người bị thả xuống cửa rồi gia đình... trốn mất. Tất cả được vợ chồng nhà này cưu mang. Họ chả khác gì trẻ con nên bạn tôi nhờ tổ chức Trung thu cho họ. Rồi từ bạn này “mồi” một số người quen trong nước “tiếp tay” nhờ tôi giúp. Cũng may là thế này, những ngày này, ở hai nơi ấy cũng có nhiều người đến thăm, tặng quà, tất nhiên có quà Trung thu, nên có khi họ có “cảm giác” Trung thu hơn trẻ em một số vùng cao.
Vợ chồng một nhà văn bạn tôi năm nay cũng dành toàn bộ tiền bán bộ tiểu thuyết đang rất hot của mình mang Trung thu tới cho hai cơ sở nuôi trẻ mồ côi.
Trên facebook của một cô gái trẻ nhưng là chủ một doanh nghiệp quảng cáo ở Pleiku, kể chuyện cô tham gia một cái caravan của Hiệp hội quảng cáo Việt Nam, và đích là huyện Lâm Bình, Tuyên Quang. Đoàn gồm 28 xe và 99 người, đã tổ chức một Trung thu rất vui và đầm ấm cho các cháu học sinh ở một điểm trường của huyện này. Điểm trường, chúng ta biết rồi đấy, nó là nơi không phải trường, vì không đủ học sinh, không đủ điều kiện lập trường, cũng có thể là xa quá, khó khăn về đi lại cho các cháu quá, nhưng vẫn phải tổ chức cho các cháu học sinh học. Thế là có các điểm trường, có các giáo viên cắm bản. Nó khó khăn vô cùng, hiểm trở vô cùng. Các thầy cô giáo phải gửi con cho ông bà, lặn lội vào đấy dạy và... dỗ học sinh. Nên việc các đoàn vào tận các điểm trường là rất quý và rất đáng hoan nghênh...
Còn rất nhiều những việc ấm lòng nữa những ngày chuẩn bị Trung thu này mà những việc tôi kể trên chỉ là những chi tiết nhỏ trong cái dòng chung nhân ái ấy.
Sẽ có người nói, không có Trung thu cũng chả sao, bởi với trẻ em khó khăn, có đủ ăn đã là khó là quý rồi. Nhưng tâm hồn các cháu sẽ nghèo biết bao nhiêu nếu như không có Trung thu. Đành rằng, các cháu sẽ biết tự tạo ra Trung thu cho riêng mình, chả đứa nào chịu ngồi không đâu, rồi còn các thầy cô giáo vân vân...
Nhưng nhìn những giọt nước mắt giàn dụa trên mặt cô giáo trong cái phóng sự của VTV1 mà tôi và nhiều người đã xem ấy, thì thấy, với các cháu, chúng ta luôn luôn có lỗi, luôn luôn mắc nợ.
Lại nhớ có bạn nào đấy chỉ trích chương trình “Cơm có thịt” rằng, bây giờ ăn không thịt mới là hợp khoa học, mới là đúng quy luật... Nhìn các cháu ăn cơm với muối thì mới thấy cái lý thuyết kia nó xa đời sống tới đâu?
Ngay tôi và một số người thế hệ tôi bây giờ, không ăn, hoặc ăn rất ít bánh Trung thu, vì sợ... ngọt, sợ bị tiểu đường, sợ béo. Nhưng như thế không có nghĩa là các cháu cũng không ăn. Cũng như thế, trẻ con thành phố thừa mứa bánh Trung thu nhưng trẻ em vùng sâu vùng xa không như thế...
Lại cũng nhớ hồi nhỏ, có miếng thịt là ăn dè, cứ lăn qua lăn lại miếng thịt trong bát cơm, để dành nó cho miếng cuối cùng, miếng thịt ăn vã, ăn mình nó, không có cơm...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.