Khi những con phố bắt đầu thoảng thơm hoa sữa, khi những ngày nắng vàng rực rỡ dần nhường chỗ cho tiết trời se se lạnh, khi những gánh hàng rong trên phố bình dị mang sắc xanh dịu nhẹ của cốm non và mùi hương ấm áp của lá sen…, nhiều người mới giật mình nhận ra thu đã về.
Rồi những cửa hàng bánh nướng, bánh dẻo đã đỏ, vàng trên phố, những chiếc đèn lồng sặc sỡ, lấp lánh sắc màu, nhắc nhớ người ta một mùa Trung thu nữa đã lại đến.
Những đêm giao mùa, trên những con phố rực rỡ ánh đèn, khi gió mùa thu có chút se lạnh khẽ chạm vào trái tim của những con người xa lạ ngược xuôi bước qua nhau trên phố, sẽ có vài người trong số họ thoảng chút ngập ngừng, phân vân, không biết nên bước tiếp để hòa vào dòng người đông đúc ấy hay muốn dừng lại chút thôi, quay ngược thời gian, trở về quá khứ cho thỏa nỗi hoài niệm những mùa Trung thu năm nào, Trung thu thuở còn thơ bé, Trung thu của ngày xưa...
Chẳng phải Trung thu nay trăng không tròn bằng Trung thu xưa nữa, mà có lẽ là bởi vì hoàn cảnh và con người dưới bóng trăng tròn vẹn và dịu ngọt ấy đã đổi thay.
Trung thu không còn là dịp lễ đặc biệt trong năm để lũ trẻ con háo hức chờ đợi mà cũng chỉ là một ngày vui chơi bình thường như bao ngày khác, dạo phố chơi rồi về; đèn ông sao, mặt nạ giấy thay bằng những chiếc đèn phát được lắp pin và những chiếc mặt nạ làm bằng nhựa đủ hình thù, thậm chí kì dị như trong lễ Halloween; cũng chẳng phải chỉ có bánh nướng, bánh dẻo mà còn rất nhiều các loại bánh đủ màu, đủ vị khác…
Nhưng dù là Trung thu nay hay Trung thu xưa, chỉ cần ở đâu có yêu thương, thì ở đó sẽ ấm áp tình đoàn viên.
Ông Nguyễn Như Nghĩa (Hà Nội) kể rằng: “Ngày xưa, vào dịp Rằm tháng 8, người lớn thường bày cỗ Trung thu cho trẻ nhỏ. Nhưng lúc bấy giờ chỉ bày cỗ trong gia đình thôi. Còn ngày nay, Trung thu mọi người thường ra ngoài và bày cỗ cho tất cả trẻ con. Vì vậy mà bé nào cũng được vui Tết Trung thu. Còn ngày trước thì chỉ có con cháu của những gia đình khá giả, trẻ con nhà nghèo thì không có gì cả. Trung thu ngày nay cũng có cái hay của nó”.
Còn ông Nguyễn Ngọc Tưởng (Hà Nội) thì chia sẻ: “Trung thu ngày xưa lũ trẻ háo hức lắm. Hơn nữa, Trung thu ngày xưa còn dễ nhìn thấy trăng. Phải nhìn thấy trăng thì mới cảm nhận được không khí của Tết Trung thu. Trung thu ngày xưa tuy đơn giản với mâm ngũ quả nhưng ai cũng vui. Bây giờ nhiều nơi người ta đã tổ chức Trung thu từ 11, 12 rồi, làm như cho có nên mất hết cả ý nghĩa của Tết Trung thu. Trung thu ngày nay khác Trung thu ngày xưa. Trung thu thời chúng tôi có nhiều đồ chơi truyền thống như đèn cù, đèn ông sao, đèn con thỏ…, có ánh nến lung linh khiến ngày Tết Trông trăng đầy thi vị và ý nghĩa".
Anh Nguyễn Trường Sơn (Tuyên Quang) cũng đồng quan điểm: “Trung thu ngày nay không giống như Trung thu ngày xưa. Trước đây các bạn nhỏ háo hức, dù Trung thu không đầu tư nhiều nhưng ý nghĩa hơn bây giờ - dường như người ta chỉ tổ chức cho có lệ. Nếu muốn Trung thu có ý nghĩa hơn thì nên tổ chức các chương trình để bạn nhỏ vui chơi nhiều hơn và bố mẹ cũng có thời gian bên cạnh các bạn ấy nhiều hơn”.
Đối với người lớn là vậy, còn Trung thu đối với các em nhỏ thì thế nào?
Em M. (Hà Nội) nói rằng: “Trung thu em không đi chơi đâu cả, chỉ ở nhà thôi”. Còn một bạn nhỏ khác, em Hiền (Hà Nội) thì chia sẻ: “Em thấy Trung thu ngày em còn bé vui và giản dị hơn, còn bây giờ cũng vui nhưng hiện đại hơn. Ngày xưa, bọn em cầm đèn lồng, đi loanh quanh rước đèn, phá cỗ. Còn bây giờ đồ chơi cũng hiện đại. Em thấy các bạn thường hay chơi đồ chơi điện tử. Riêng em thích Trung thu ngày xưa hơn vì nó đúng với không khí ngày Trung thu hơn”.
Nguyễn lâm - Bùi Huyền