Trungnam Group là ai?
Thời gian gần đây, trước tình trạng phát triển nóng điện mặt trời, gây quá tải lưới và phải cắt giảm nguồn phát, Chính phủ một lần nữa yêu cầu rà soát, không để phát triển điện mặt trời chạy theo phong trào.
Hầu hết các dự án điện mặt trời ở Việt Nam đều chưa có hệ thống xử lý rác thải pin năng lượng mặt trời. Mới đây, bộ Công Thương đã phải ban hành văn bản, lập đoàn kiểm tra các dự án điện mặt trời phát triển từ tháng 7/2019 đến cuối năm 2020.
Phải nói rằng, sức hấp dẫn về mức giá mua điện mặt trời cùng với nhiều ưu đãi về thuế, phí đã khiến nhiều chủ đầu tư lao vào cuộc đua trong lĩnh vực này. Theo số liệu từ tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2020, sản lượng điện mặt trời trên toàn quốc là 10,6 tỷ KWh, chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia.
Điều này đã khiến EVN phải cắt giảm 365 triệu KWh điện mặt trời do quá tải lưới nội vùng, chủ yếu ở tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung. Đây cũng là khu vực màu mỡ hội tụ những đại gia đổ xô vào đầu tư năng lượng tái tạo, điển hình là dự án điện mặt trời, trong số đó phải kể đến “ông lớn” Trungnam Group.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) được thành lập vào tháng 11/2004. Cập nhật đến ngày 27/6/2019, doanh nghiệp có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông mới và tỷ lệ sở hữu không được công bố.
Trải qua hơn 16 năm hoạt động, Trungnam Group đã phát triển lớn mạnh với đội ngũ hơn 1.500 người, xây dựng hệ thống 15 công ty thành viên, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính gồm: Năng lượng, xây dựng, hạ tầng và bất động sản.
Hoạt động trên thị trường năng lượng
Trước khi làm điện mặt trời, Trungnam Group đã tham gia phân khúc thủy điện, từng đầu tư xây dựng hàng loạt dự án nhà máy thuỷ điện công suất lớn. Tuy nhiên, điện mặt trời mới là cuộc chơi chính của doanh nghiệp này khi sở hữu 118 MW thủy điện, gần 152 MW điện gió nhưng có tổng quy mô các dự án điện mặt trời lên tới gần 800 MW.
Doanh nhân Nguyễn Tâm Thịnh bắt đầu đầu tư vào điện mặt trời từ tháng 7/2018, khởi công xây dựng “siêu dự án” nhà máy Điện mặt trời Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận với diện tích 264ha, tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng. Dự án này có công suất thiết kế 204 MW, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm.
Dự án điện mặt trời tiếp theo là nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Trà Vinh được khởi công vào ngày 19/1/2019 tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với quy mô 171,17 ha. Dự án này có công suất thiết kế 140 MW, sản lượng điện trung bình dự kiến đạt 250 triệu kWh/năm.
Tháng 3/2019, Trungnam Group được lựa chọn là nhà đầu tư dự án trạm biến áp và đường dây 500kV kết hợp nhà máy điện mặt trời Trung Nam.
Tháng 4/2019, thành lập tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam giai đoạn 1 tại Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, quy mô lắp đặt 705.000 pin mặt trời.
Đến ngày 15/5/2020, Trungnam Group tiếp tục khởi công dự án Trạm biến áp và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, với quy mô 557ha, tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sau 102 ngày thi công, qua đó Trung Nam Thuận Nam trở thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất trong nước và khu vực Đông Nam Á.
Để có thể thực hiện được hết các dự án kể trên, Trungnam Group cần một nguồn vốn khổng lồ mà đối với các doanh nghiệp không đủ tiềm lực sẽ khó lòng có thể thực hiện.
Trong 4 năm trở lại đây, doanh thu thuần của Trungnam Group luôn đạt hàng nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2019, doanh thu thuần của Trungnam Group đạt 6.480 tỷ đồng, cao gấp hơn 7 lần so với năm 2018; lãi thuần cũng tăng gấp 5,7 lần lên mức 124 tỷ đồng.
Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW có ý nghĩa quan trọng, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 115 của Chính phủ đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia. Đồng thời, dự án cũng đóng góp quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận tránh tình trạng giảm phát gây thiệt hại cho các nhà máy hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong việc cam kết với các nhà đầu tư và góp phần giải quyết tình trạng cả nước thiếu điện nhưng năng lượng tái tạo lại đang giảm phát.
Bên cạnh đó, dự án bổ sung hơn 1 tỷ KWh điện mỗi năm vào hệ thống, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo thay thế các nguồn điện không tái tạo khác đặc biệt à bảo vệ môi trường. Ngoài ra, dự án còn đánh dấul mục tiêu quán triệt Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, tư nhân tham gia phát triển nguồn và xây dựng hạ tầng truyền tải.
Thu Huyền