Ủy ban châu Âu (EC) vừa từ bỏ đề xuất về hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, một động thái thể hiện sự nhượng bộ của EU trước nông dân sau nhiều tuần biểu tình khiến nhiều thủ đô và huyết mạch kinh tế trên toàn khối 27 quốc gia bị tắc nghẽn.
Mặc dù đề xuất này đã bị đình trệ trong các tổ chức EU trong 2 năm qua, nhưng việc EC quyết định lùi lại một bước như vậy là dấu hiệu mới nhất cho thấy khối này sẵn sàng hy sinh các ưu tiên về môi trường để đảm bảo sự ủng hộ từ phía các cộng đồng nông nghiệp trên “lục địa già”.
Vấn đề thuốc trừ sâu chỉ là một trong một danh sách dài những bất bình đã thúc đẩy phong trào biểu tình rầm rộ của nông dân EU. Trong những tuần gần đây họ đã sử dụng máy kéo chặn các tuyến đường trọng điểm để phàn nàn về tình trạng thu nhập giảm trong khi chi phí sản xuất tăng cao.
Các cuộc biểu tình của nông dân ở châu Âu cũng đã chứng tỏ đó là “điềm báo” về thách thức chính trị lớn tiếp theo trong hành động vì khí hậu toàn cầu: Làm thế nào để trồng lương thực mà không gây tổn hại thêm đến khí hậu và đa dạng sinh học của Trái đất.
Xoa dịu làn sóng biểu tình
“Đề xuất về hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu đã trở thành biểu tượng của sự phân cực. Để tiến về phía trước, cần có nhiều đối thoại hơn và một cách tiếp cận khác”, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói với Nghị viện châu Âu (EP) tại Strasbourg, Pháp hôm 6/2.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng trong quá trình này, người nông dân vẫn là người cầm lái. Chỉ khi chúng ta cùng nhau đạt được các mục tiêu về khí hậu và môi trường thì nông dân mới có thể tiếp tục sinh kế”, bà Von der Leyen khẳng định.
Hiện chưa rõ khi nào các đề xuất mới sẽ được soạn thảo. Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu dự kiến diễn ra vào tháng 6, và hoàn cảnh khó khăn của nông dân đã trở thành tâm điểm của các chiến dịch tranh cử, thậm chí còn gạt vấn đề khí hậu sang một bên trong những tuần qua.
Theo Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal), EU đã đặt mục tiêu cắt giảm 50% tổng lượng sử dụng thuốc trừ sâu và các chất độc hại khác vào năm 2030. Đề xuất này đã bị chỉ trích bởi các nhà hoạt động môi trường vì cho rằng nó sẽ không đủ để đạt được các mục tiêu bền vững. Nó cũng vấp phải sự phản đối của các cộng đồng nông nghiệp vì nó được cho là bất khả thi và đe dọa làm mất đi sinh kế của nông dân.
Quyết định gác lại đề xuất về thuốc trừ sâu là động thái mới nhất của EU nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình của nông dân trên khắp lục địa, vốn đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của hàng chục triệu công dân EU và khiến các doanh nghiệp thiệt hại hàng chục triệu Euro do những chậm trễ về vận tải.
Nhiều chính trị gia, đặc biệt là cánh hữu, đã hoan nghênh tác động của các cuộc biểu tình. Ví dụ, Bộ trưởng Giao thông cánh hữu của Italy Matteo Salvini từng nói: “Những người nông dân có máy kéo đang buộc châu Âu phải rút lại những điều vô nghĩa do các công ty đa quốc gia và cánh tả áp đặt”.
Tuần trước, bà von der Leyen đã công bố kế hoạch bảo vệ nông dân EU khỏi các sản phẩm có giá rẻ hơn đến từ Ukraine và cho phép nông dân sử dụng một số đất mà họ bị yêu cầu bỏ hoang vì lý do môi trường.
Tại Pháp, nơi các cuộc biểu tình của máy kéo đã đạt quy mô lớn, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã hứa hỗ trợ tài chính bổ sung hơn 400 triệu Euro (436 triệu USD).
EC sẽ công bố thêm các biện pháp về cách đạt được các mục tiêu nghiêm ngặt nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Các nhà môi trường lo ngại có thể sẽ có nhiều nhượng bộ hơn trong bối cảnh biểu tình vẫn tiếp diễn trên khắp châu Âu.
Giữ gìn “bản sắc châu Âu”
Kể từ đầu ngày 6/2, nông dân trên khắp Tây Ban Nha đã tổ chức các cuộc biểu tình bằng máy kéo, chặn đường cao tốc và gây ùn tắc giao thông để yêu cầu những thay đổi về chính sách và ngân quỹ của EU cũng như các biện pháp nhằm chống lại việc tăng chi phí sản xuất.
Các cuộc biểu tình diễn ra khi Bộ Nông nghiệp Tây Ban Nha công bố khoản viện trợ 270 triệu Euro (290 triệu USD) cho 140.000 nông dân để giải quyết tình trạng hạn hán và các vấn đề do xung đột Nga-Ukraine gây ra.
Nông dân Bulgaria đã “tiếp lửa” cho các cuộc biểu tình của họ bằng cách di chuyển các phương tiện nông nghiệp hạng nặng từ đồng ruộng đến các đường cao tốc chính và cửa khẩu biên giới, làm tê liệt giao thông và làm tăng thêm khó khăn kinh tế của quốc gia Đông Nam Âu.
Động thái này diễn ra sau khi nông dân từ chối chấp nhận đề xuất hỗ trợ của Chính phủ Bulgaria, cho rằng số tiền đó không đủ để bù đắp cho họ những tổn thất do cuộc chiến ở Ukraine, chi phí sản xuất cao hơn, điều kiện khí hậu và các yêu cầu của Thỏa thuận Xanh châu Âu.
Vào tối ngày 5/2, nông dân ở Hà Lan đã chặn một số con đường và đường cao tốc bằng máy kéo của họ, đốt cỏ khô và lốp xe. Cảnh sát ở tỉnh nông thôn Gelderland cho biết họ đã hành động để xử lý những người nông dân cố tình chặn đường, nhưng chưa có báo cáo ngay lập tức về vụ bắt giữ nào.
Ngoài ra, trong những tuần gần đây, nông dân cũng đã biểu tình ở Pháp, Ba Lan, Hy Lạp, Ireland, Đức và Litva.
Nông dân các nước EU cho rằng họ đang chịu áp lực từ nhiều phía, bao gồm chi phí nhiên liệu cao, các quy định khắt khe của Thỏa thuận Xanh, sự cạnh tranh không công bằng từ các nhà sản xuất nông nghiệp ở những quốc gia có ít hạn chế về môi trường hơn.
Nông nghiệp chiếm 30% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhưng EU không thể đáp ứng các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng được quy định trong luật mà không thực hiện những thay đổi mạnh mẽ đối với hệ thống nông nghiệp của mình, bao gồm cả cách nông dân sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và phân bón, cũng như ngành chăn nuôi rộng lớn của khối này.
Nó cũng quan trọng về mặt chính trị. Việc thay đổi tập quán canh tác ở châu Âu đang tỏ ra vô cùng khó khăn, đặc biệt khi cuộc bầu cử quốc hội đang đến gần vào tháng 6. Nông dân là một lực lượng chính trị hùng mạnh, lương thực và nông nghiệp là những dấu ấn mạnh mẽ về “bản sắc châu Âu”.
Nông nghiệp chỉ chiếm hơn 1% nền kinh tế châu Âu và sử dụng 4% dân số. Nhưng nó nhận được 1/3 ngân sách của EU, chủ yếu dưới dạng trợ cấp.
Minh Đức (Theo AP, NY Times)