Dễ đến cả ngàn năm nay, bao nhiêu thế hệ con dân đất Kẻ Chợ đã quen với một Thăng Long xanh biếc cây cối và rào rạt sóng nước, sóng nước Nhĩ Hà và sóng nước mặt hồ mênh mang những Đại Hồ, hồ Chu Tước, hồ Lục Thủy, hồ Giám…
Hồ Tây xưa với nhịp chày Yên Thái nện trong sương sớm
Ôi, điều ấy làm họ không khỏi kinh hoàng nếu như bỗng nhiên một sáng kia, tỉnh dậy, dân chúng kinh thành mở mắt, thấy sông mẹ Nhĩ Hà đã bỏ đi không còn ôm ấp Thăng Long mà tưới tắm vỗ về cho nó và nhánh Tô Lịch bỗng thành đứa con côi cút. Rồi Báo Thiên Tháp ảnh không còn soi xuống Lục Thủy nữa và bên kia sông, hai cây bồ đề trên đất Gia Lâm vốn cao ngang với tháp Báo Thiên trong Kinh đô, bỗng bị sét đánh gãy ngang. Và bến trúc Nghi Tàm đột nhiên bị thiêu hủy. Rồi đất thụt xuống nơi Bích Câu, gò Kim Quy vốn nằm bên trái Văn Miếu, chỗ hẹn hò của các tao nhân mặc khách, những đệ tử của Thái Thượng Lão Quân và người thập phương tới vịnh thơ, xin chữ, cao đàm khoát luận… bỗng bị san bằng, phía dưới là một Đại Hồ chỉ còn lại bùn rác!
Cũng như tình huống làng Bình Vọng, phía Nam Tô Lịch, đánh mất vĩnh viễn nghề làm sơn ta, sơn mài. Làng Bò thờ Linh Lang đại vương, vốn có chín mươi chín gò đống, đột nhiên không còn lễ hội hàng năm để rước kiệu từ đền về Vạn Phúc. Rồi Kẻ Bưởi gồm bốn phường nổi tiếng nằm ở Tây - Bắc Thăng Long: Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài, Yên Thái bỗng dọn đi đâu biệt tích… Cầu Đông tên chữ là Đông Hoa Môn, Cầu Giấy lợp ngói ở cửa Tây, bắc qua Tô Lịch, dài mười lăm gian, Cầu Mộng - Mộng Kiều… bỗng sụp đổ. Hồ Dâm Đàm không còn mơ màng trong làn sương huyền ảo mỗi ban mai. Và ngay cả cái Cổng Đục được đục thủng qua tường phía Đông thành, chỉ dùng để đưa xác tử tù hoặc đám ma nhà khó ra ngoài thành, nếu mất đi, người Thăng Long cũng bao ngậm ngùi nuối tiếc…
Biết bao chàng, biết bao nàng trải qua gần mười thế kỷ đã yêu Thăng Long bằng một thứ tình yêu vừa đắm đuối, thiết tha vừa đau đáu, thấp thỏm, vừa mãnh, vừa vạm vỡ ào ạt, vừa tế vi ngấm vào từng sợi gân, thớ thịt… Và câu hát dìu dặt ấy đã từng giúp họ cảm nhận tình yêu Thăng Long rõ ràng và sống động hơn: “Trước gió xuân dìu dặt tiếng tơ đồng…”
Có lần, đang bấn lên vì bao mối lo lắng, từ chuyện cơm áo chật vật, công việc chẳng đâu vào đâu, cái tâm thế rối ren mà các cụ nhà ta xưa vẫn bảo là "tâm viên ý mã", kẻ hậu sinh này theo Trần, một gã thi sỹ xứ Kinh Bắc đến viếng chùa Trấn Quốc nằm trên doi đất hình con cá nhô ra mặt Hồ Tây. Bỗng thấy dưới tán cây râm mát, một chàng trai ôm cây đàn ghi ta ngồi bên bờ cỏ dạo nhạc, rồi cô nàng ngồi bên cất giọng hát bài "Một thoáng Tây Hồ" như muốn hòa theo tiếng nước lao xao, tiếng chim kêu trong khóm lá…
Trần thi sĩ bồi hồi bảo: Nom… đôi kia say sưa đàn hát, tôi tưởng chừng thấy chàng Sinh xưa vào rừng ngao du, lúc quay về gặp hai cụ già, một cụ cầm khúc gỗ và một cụ cầm cuộn giấy có vẽ hình một cây đàn. Chàng Sinh chưa kịp hết ngạc nhiên, một cụ ông đã cất tiếng: “Ta là Lý Thiết Quài, cụ kia là Lã Đại Tiên. Hai ta biết con có túc căn nên đưa vật này tặng con để con truyền lại cho hậu thế!” Nói xong tặng Sinh khúc gỗ ngô đồng và tờ giấy vẽ mẫu đàn, dặn rằng: “Con về tìm thợ khéo, theo mẫu này đóng thành cái đàn. Tiếng đàn gẩy lên sẽ trừ được ma quỷ, người ốm nghe khỏi bệnh, người buồn phiền nghe hóa ra vui vẻ!”.
Sinh sụp xuống lạy tạ, lúc ngẩng lên, hai cụ già đã hóa ra đám mây trắng bay về phía Tây. Sinh mang khúc ngô đồng về nhà, tìm thợ theo đúng mẫu mực trong giấy, thửa đàn. Xong xuôi, Sinh đem đàn ra gẩy, một lúc sau ngẩng lên thấy chim chóc chen nhau đậu kín cả rừng cây mà nghe. Lạ hơn, lúc nhìn xuống suối, cá lớn cá nhỏ đều châu đầu về phía chàng, như có ý lắng nghe tiếng đàn. Còn trên mặt đất, người ta kéo đến quanh nhà chàng thưởng thức âm thanh khác thường phát ra từ cây đàn cứ như một làn gió thần, xua đuổi hết mọi ưu phiền trong tâm bệnh chúng sinh…
Quả là thần dược. Kẻ này bỗng như đang khát được uống gáo nước mưa múc trong vại sành, như đang đói vớ được cơm nắm muối vừng, chút tâm loạn chợt lắng xuống, mồm lẩm bẩm câu hát cũ: “Trước gió xuân dìu dặt tiếng tơ đồng…”
Long Đỗ Nhân