Việc H'Hen Niê lựa chọn trang phục “bánh mì” để dự thi trang phục dân tộc tại Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe năm nay đã dấy lên nhiều phản ứng trái chiều của dư luận.
Theo NTK Phạm Phước Điền và đơn vị cử H’Hen Niê đi thi, đây là lần đầu tiên một món ăn của Việt Nam được tái hiện, sáng tạo thành một bộ trang phục dân tộc.
Còn trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng “bánh mì” không phù hợp vì món ăn này có nguồn gốc từ phương Tây nên không hề “thuần Việt”.
Thậm chí, có cả những nhận định đánh giá bộ trang phục được thiết kế thiếu tinh tế dù sau rất nhiều lần chỉnh sửa để chọn ra mẫu cuối cùng.
Trước H’Hen Niê ở những mùa giải trước, đại diện Việt Nam đã có không ít thiết kế gây ấn tượng.
Đại diện Việt Nam thi Hoa hậu Hoàn vũ 2004 Hoàng Khánh Ngọc trình diễn trang phục áo dài hai màu đen - trắng được thiết kế đơn giản. Sự tự tin của người đẹp Việt được đánh giá cao, tuy nhiên cô chỉ dành giải phụ ở phần thi catwalk và không lọt top.
Đại diện Việt Nam thi Hoa hậu Hoàn vũ 2005 Phạm Thu Hằng diện áo dài thêu hoa sặc sỡ, cầm nón lá đính hoa mai tạo điểm nhấn. Không đội mấn, chân dài gốc Hà thành lựa chọn kiểu tóc buông xõa để mang tới sự khác biệt so với Hoàng Khánh Ngọc.
Tới năm 2008, quốc phục đã có sự sáng tạo nhất định với nhiều lớp vải và là sự kết hợp của ba màu đỏ - trắng - vàng. Thùy Lâm mang đến Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới bộ quốc phục được cách điệu từ trang phục của Nam Phương hoàng hậu. Thùy Lâm tham dự cuộc thi này và đã được vào top 15. Ngoài ra cô còn đạt một số thành tích khác như: Top 10 Trang phục truyền thống đẹp nhất, Top 5 Duyên dáng áo dài.
Đại diện Việt Nam năm 2009 Võ Hoàng Yến diện quốc phục màu đen mang tên “Rồng Việt” được thiết kế bởi nhà thiết kế Đinh Văn Thơ. Áo được trang trí hình ảnh rồng bay bằng đá pha lê và đá màu chạy dài thân áo. Đi kèm với áo dài là một dải khăn voan lụa đen được gắn tua rủ bằng đá pha lê trắng.
Năm 2011 là năm đầu tiên và có lẽ cũng là năm duy nhất quốc phục không phải là áo dài, thay vào đó là áo tứ thân được Á hậu Hoàng My diện tại Miss Universe. Đây cũng là sản phẩm của NTK Thuận Việt, có tên gọi “Tinh hoa Việt”. Trên ngực Hoàng My có gắn thêm 1 con chim hạc. Tuy vậy, quốc phục của đại diện Việt Nam trong trang phục dân tộc của Hoàng My tại mùa giải năm 2011 bị chê quá gợi cảm.
Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2012, Diễm Hương tự tin trình diễn bộ quốc phục thêu hoa văn thổ cẩm. Được biết, quốc phục năm 2012 được lấy cảm hứng từ rồng phương Đông và họa tiết thổ cẩm đặc trưng của dân tộc miền núi phía Bắc. Trang phục của Diễm Hương lọt top 10 Trang phục truyền thống xuất sắc nhất.
Quốc phục của người đẹp Trương Thị May tại Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2013. Vàng đồng đỏ sậm là hai gam màu chủ đạo của thiết kế được lấy ý tưởng từ hoa sen. Ngoài ra, điểm xuyết trên nền chất liệu lụa truyền thống là những viên đá pha lê quý. Trang phục của Trương Thị May được Global Beauties bình chọn là trang phục dân tộc đẹp nhất châu Á và lọt top 5 trang phục đáng ngắm nhìn nhất do Missosology đánh giá.
Đại diện Việt Nam năm 2015 Phạm Hương chọn trang phục áo dài của nhà thiết kế Thuận Việt cùng ê-kíp. Điểm đáng chú ý là chiếc mấn đồng thau có trọng lượng 1,7 kg được mạ 2,5 chỉ vàng.
Quốc phục của Phạm Hương lấy ý tưởng từ chim hạc và lá trúc. Hai họa tiết chủ đạo được thêu bằng chỉ tơ và chỉ tơ ánh nhũ vàng. Khi người đẹp trình diễn trên đấu trường nhan sắc quốc tế, thiết kế gây chú ý.
Năm 2016, Lệ Hằng gây bất ngờ khi diện trang phục lấy ý tưởng từ mây tre, tượng trưng cho làng nghề truyền thống tại Việt Nam để dự thi. Trước chung kết, quốc phục của Lệ Hằng lọt Top 4 trang phục dân tộc ấn tượng nhất.
Năm 2017, Nguyễn Thị Loan mặc bộ trang phục “Hồn Việt”, được lấy cảm hứng từ những hình ảnh đậm nét truyền thống dân tộc Việt Nam như áo dài, nón lá, trống đồng.
Quốc Tiệp (tổng hợp)