Mới đây, dư luận xôn xao quanh sự việc một nữ diễn viên cho rằng mình bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ. Nữ diễn viên cho biết đã mua 2 gói bảo hiểm, một cho bản thân và một cho con trai với tổng số tiền cần đóng là 700 triệu đồng/năm nhưng đến nay phát hiện nhiều thông tin không đúng với những gì được tư vấn.
Nhân viên tư vấn nói cô tham gia hợp đồng 10 năm, hết thời hạn sẽ lấy lại đủ 7 tỷ đồng cộng thêm tiền lời sẽ được xấp xỉ 10 tỷ đồng. Nữ diễn viên cho biết cô đã tham gia bảo hiểm được 3 năm tổng số tiền đã đóng khoảng 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đây cô hoàn toàn bất ngờ khi phát hiện thời hạn hợp đồng bảo hiểm ghi con số 74 năm, không phải 10 năm như tư vấn ban đầu.
Trước vụ việc này, chiều 10/4, Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có văn bản gửi Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MVI, yêu cầu rà soát về hợp đồng bảo hiểm liên quan tới nữ diễn viên, báo cáo về Cục trong ngày 11/4. Đồng thời, Cục cũng yêu cầu kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại lý bảo hiểm, giải quyết các khiếu nại của khách hàng.
Ngay sau khi video của nữ diễn viên được đăng tải trên mạng xã hội, không ít người tham gia bảo hiểm nhân thọ đã giật mình giở hợp đồng của mình ra, với hàng loạt băn khoăn, lo lắng với một số điều khoản được cho là khá rối ren.
Mua bảo hiểm là để đề phòng rủi ro cho bản thân, mà trước hết chính là mua về sự yên tâm về mặt tinh thần. Do vậy, sẽ không có sản phẩm bảo hiểm nào vừa bảo vệ cho chúng ta trước những rủi ro về sức khoẻ mà lại còn có thể sinh lời nhiều như một khoản tiền đầu tư.
Mặc dù nội dung trong các hợp đồng bảo hiểm cũng đã được Bộ Tài chính quản lý chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm nhưng trước hết chính những người mua phải là người cẩn trọng nhất và đơn vị tư vấn cũng sẽ phải có trách nhiệm đầu tiên trong việc đảm bảo các quyền lợi của khách hàng được hiểu và được hưởng một cách tối ưu.
Hiện bảo hiểm nhân thọ có 2 loại hình chính: Thứ nhất là bảo hiểm nhân thọ truyền thống, đơn thuần với mục đích bảo hiểm; Thứ hai là bảo hiểm nhân thọ liên kết, kết hợp với các kênh đầu tư có mức độ rủi ro khác nhau.
Do đó, khi tham gia bất cứ kênh đầu tư nào, quan trọng nhất là đọc kỹ hợp đồng và tìm sự tham vấn chuyên gia pháp lý nếu cần thiết.
Về vấn đề này, luật sư Hồ Hữu Hoành (từ công ty Luật Saigonmind) phân tích, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là ngành đặc thù, có Luật Bảo hiểm để chi phối hoạt động kinh doanh. Vì vậy, các điều khoản ở hợp đồng của các công ty bảo hiểm, ở khía cạnh nào đó nó đều chính xác. Vấn đề người mua phải nắm được những điều khoản cơ bản và yêu cầu người tư vấn bảo hiểm giải thích rõ ràng trước khi quyết định mua bảo hiểm nhân thọ hay không.
Không chỉ dài về nội dung, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hiện nay hầu hết sử dụng các mẫu hợp đồng của các công ty nước ngoài, dùng những từ ngữ khó hiểu, chung chung khiến người dân đọc cảm thấy rối. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, nhiều giáo sư, tiến sĩ đọc chưa chắc hiểu được hợp đồng bảo hiểm vì quá phức tạp.
Đề xuất nên có một mẫu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chung, quy định các yêu cầu cơ bản về quyền lợi và nghĩa vụ của người mua bảo hiểm được luật sư Hồ Hữu Hoành rất ủng hộ.
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty luật Basico đưa ra khuyến nghị: "Mặc dù làm luật sư tôi cũng phải thừa nhận để đọc và hiểu hết bộ quy tắc bảo hiểm không phải là chuyện dễ. Do vậy, chúng ta lưu ý: Thứ nhất, trong các hợp đồng bảo hiểm liên kết thường phải quan tâm đến giá trị hoàn lại ta nhận lại là như thế nào; Thứ hai, các quỹ liên kết bên bảo hiểm mời chúng ta tham gia là gì".
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Global Việt Nam cũng nhấn mạnh: "Có vài điểm rất quan trọng mà khách hàng cần lưu ý như thời hạn hợp đồng, thời hạn đóng phí, quyền lợi tôi được gì và cái gì tôi không được chi trả".
Bên cạnh đó, để tránh trường hợp khách hàng được tư vấn mà chưa thực sự hiểu rõ hợp đồng, các chuyên gia cho rằng, rất cần sự giám sát kỹ lưỡng hơn nữa hoạt động của các đại lý, tư vấn bảo hiểm.
Ông Trần Nguyên Đán, Giảng viên Bộ môn Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính - Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM cho biết: "Cần tăng cường hơn nữa việc giám sát hoạt động tư vấn, xác nhận xem khách hàng đã được tư vấn điều khoản nào, khách hàng hiểu thông tin trong bản minh họa hay chưa… Những hoạt động đó sẽ hạn chế bớt những mâu thuẫn".
Theo các chuyên gia, tham gia bảo hiểm, tức bỏ tiền ra để mua là nói đến chi phí mình bỏ ra. Do đó, dù là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống hay bảo hiểm nhân thọ liên kết kèm với đầu tư, số tiền thu về sau khi tất toán hợp đồng cũng sẽ thấp hơn đầu tư đơn thuần tối đa là 10 - 15% tổng số tiền tham gia bảo hiểm. Tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng bảo hiểm sẽ là động thái bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm một cách tốt nhất.
Tính riêng bảo hiểm nhân thọ, đến nay Việt Nam mới chỉ có 11% dân số tham gia. Trong khi đó, tại Philippines, khoảng 38% dân số có bảo hiểm, tỉ lệ này tại Malaysia khoảng 50%, Singapore đạt khoảng 80%, còn Mỹ là khoảng 90%.
Hiểu đúng và đủ về các bảo hiểm sẽ là bước căn bản giúp chúng ta có cái nhìn công tâm hơn về các sản phẩm này, cũng như trả lại đúng vai trò của kênh bảo hiểm như một sản phẩm phòng ngừa rủi ro.
Thực tế, theo các chuyên viên tư vấn bảo hiểm và tài chính, người mua bảo hiểm vẫn có nhiều cách để hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có vai trò như một khoản đầu tư có lời.
-Nên mua khi còn trẻ và khỏe: Một trong những yếu tố quyết định phí đóng cho khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ chính là độ tuổi. Tuổi càng cao thì mệnh giá bảo vệ càng thấp, phí đóng càng cao, rủi ro trừ đi hàng tháng cũng ở mức cao. Điều này đồng nghĩa với việc số tiền còn lại để tích lũy và sinh lãi sẽ càng thấp. Chưa kể, việc tham gia khi còn trẻ với sức khỏe tốt, khách hàng sẽ không rơi vào trường hợp bị tăng phí rủi ro, làm giảm số tiền tích lũy và sinh lãi.
-Không ghép nhiều người vào chung một hợp đồng bảo hiểm: Nhiều khách hàng cho rằng để tất cả thành viên gia đình vào chung một hợp đồng là tối ưu và có lợi, nhưng thực tế là ngược lại.
Trong một hợp đồng chỉ có một người được bảo hiểm chính, những người còn lại là phụ và chỉ tham gia sản phẩm bổ trợ. Càng gắn thêm nhiều người thì càng nhiều sản phẩm bổ trợ và chính sản phẩm bổ trợ này sẽ làm giảm số tiền tích lũy, ảnh hưởng tới dòng tiền sinh lời sau này. Để tối ưu lợi nhuận thì một hợp đồng chỉ nên có một người được bảo hiểm, hoặc kèm theo 1-2 người phụ thuộc là con nhỏ. Trong đó, các sản phẩm bổ trợ nên được thiết kế vừa đủ, chiếm khoảng 30% tổng phí đóng cả hợp đồng.
-Lựa chọn sản phẩm bảo hiểm có liên kết đầu tư: Bảo hiểm liên kết đầu tư là loại hình bảo hiểm nhân thọ vừa giúp bảo vệ sức khỏe trước rủi ro khách quan trong cuộc sống, vừa có thêm cơ hội gia tăng tài sản trong tương lai.
Phí bảo hiểm mà người mua đóng vào hàng năm, sau khi trừ đi các phí bảo hiểm đã quy định thì phần còn lại sẽ được đầu tư vào chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, trong đầu tư lãi suất càng cao rủi ro càng lớn, vì vậy người mua cần xem xét mức độ chấp nhận rủi ro của mình, cũng như yêu cầu tư vấn viên tư vấn thật kỹ để có phương án tài chính phù hợp.
-Tham gia lâu dài: Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm với kế hoạch lâu dài, ở những năm đầu, tỉ lệ phí hủy hợp đồng rất cao, lên tới 60-80%. Thậm chí, trong 2 năm đầu tham gia đã dừng khách hàng sẽ không nhận được khoản tiền hoàn trả nào.
Nếu hủy hợp đồng sau 2 năm tham gia, người mua có thể nhận được giá trị hoàn lại, nhưng số tiền này sẽ thấp hơn rất nhiều so với khoản phí đã đóng trước đó.
Tham gia càng lâu, phí bảo hiểm càng giảm, do đó số tiền tích lũy và sinh lời càng cao. Đặc biệt với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư còn sinh lãi kép. Do đó, người mua tham gia lâu dài sẽ đảm bảo được thời gian bảo vệ sức khỏe lâu hơn cũng như đảm bảo dòng tiền nhận lại sau này.
Minh Hoa (t/h theo VTV, Thanh Niên, Zing News)