Kết quả kinh doanh ngoài sức tưởng tượng
CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa công bố BCTC năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khó tin.
Sau hơn 5 năm bùng nổ mạnh mẽ tại các thành phố lớn, Golden Gate đã trở thành chuỗi nhà hàng ẩm thực lớn nhất nước với hệ thống gồm hàng chục thương hiệu nổi tiếng trong giới ẩm thực như Ashima, Kichi Kichi, Gogi, Sumo BBQ, Hutong hay Vuvuzela…
Trong năm 2019, số lượng nhà hàng của công ty đã tăng từ 307 lên 356, đồng thời mang về cho Golden Gate doanh thu 4.776 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 20% so với năm 2018. Doanh thu mảng bán thực phẩm và đồ uống tăng hơn 20% lên 4.756 tỷ đồng.
Khấu trừ đi giá vốn, năm 2019 Golden Gate đạt lợi nhuận trước thuế lên đến 399 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018. Tính bình quân, mỗi ngày các chuỗi nhà hàng ăn mang về cho doanh nghiệp khoản lãi gần 1,1 tỷ đồng.
Nhờ đầu tư sớm cùng độ phủ lớn, doanh thu của Golden Gate trong 10 năm qua đã tăng gần 100 lần, đạt 3.970 tỷ vào năm 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trong 10 năm qua đạt 58,5%.
Lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 269 tỷ trong khi năm 2008 đạt 8 tỷ, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trong 10 năm qua đạt 42,1%/năm.
Mặc dù vậy, nếu so với năm 2017, mặc dù doanh thu tăng 17% song lợi nhuận sau thuế của Golden Gate chỉ tăng 5%.
Sang đến năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm đang gây áp lực cực kỳ lớn lên doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí bán hàng với các khoản mục chính như chi phí cho nhân viên, chi phí thuê mặt bằng, marketing…
Hồi cuối tháng 4 năm nay, một số chuỗi lớn tại Việt Nam trong đó có Golden Gate đã đứng ra làm một bản kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tài chính.
Các doanh nghiệp nêu thực trạng người dân được khuyến khích không ra khỏi nhà, hạn chế tụ tập động người, khiến các doanh nghiệp bán lẻ - dịch vụ hầu như không có khách hàng từ tháng 2/2020 và phải đóng cửa từ ngày 26/3/2020.
Do đó các doanh nghiệp nêu 3 kiến nghị về việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ - dịch vụ trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, là: Xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng; hỗ trợ giải quyết khủng hoảng tài chính; chấp thuận hoạt động mua bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi và mua hàng mang đi trong thời gian cách ly.
Golden Gate đã chuyển sang hình thức giao hàng tận nhà, đẩy mạnh dịch vụ giao hàng như Siêu Thị Lẩu Online, GDelivery, ICook – Giao hàng tận nhà các Combo Nướng Lẩu, các món ăn được chế biến sẵn từ các chuỗi nhà hàng. Khách hàng có thể mượn bếp nướng hay lẩu miễn phí.
Đại gia nào đứng sau Golden Gate?
Golden Gate được thành lập từ năm 2008 với vốn điều lệ 32 tỷ đồng do 5 cổ đông cá nhân góp vốn. Theo VnExpress, đến giữa năm 2014, sau nhiều lần chuyển nhượng và thoái vốn, cơ cấu cổ đông của công ty rút lại còn ba cổ đông chính, cũng là 3 trong số 5 cổ đông sáng lập ban đầu, gồm ông Trần Việt Trung (sở hữu 35,27% vốn điều lệ), ông Đào Thế Vinh (35,27%) và Nguyễn Xuân Tường (29,45%).
Một năm sau đó, cơ cấu cổ đông của đơn vị này một lần nữa có sự xáo trộn đáng kể, với sự xuất hiện của một cổ đông tổ chức là Công ty Golden Gate Partners với sở hữu 54,4%, ba cổ đông từng sở hữu 99% vốn điều lệ của công ty năm 2014 giảm sở hữu còn từ 13,86% - 15,56% mỗi cá nhân.
Năm 2008, đơn vị này sau khi mua lại tài sản của Công ty Dịch vụ Thương mại Hoàng Thành đã triển khai chuỗi nhà hàng đầu tiên mang thương hiệu Ashima gồm 3 nhà hàng tại Hà Nội và 3 nhà hàng tại TP HCM.
Năm 2013, với hai chuỗi nhà hàng Kichi-Kichi và Sumo BBQ hoạt động, doanh thu của Golden Gate đạt gần 510 tỷ đồng. Đến năm 2014, sau khi triển khai thêm 4 thương hiệu mới, doanh thu đã tăng hơn gấp đôi lên 1.262 tỷ đồng.
Năm 2015, Golden Gate đạt doanh thu 1.864 tỷ đồng, tăng hơn 50% cùng kỳ. Khi ấy, Golden Gate đã sở hữu 19 thương hiệu chuỗi nhà hàng như Vuvuzela, Cowboy Jack's, City Beer Station hay Isushi...
Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)