Trước khi là thần đồng, con đã biết yêu thương

Trước khi là thần đồng, con đã biết yêu thương

Thứ 2, 22/04/2013 09:20

Chị Hồ Điệp có thói quen ghi nhật ký cho Nhật Nam. Chị ghi lại những câu nói của Nam, những hành động của Nam mỗi ngày, những lúc rảnh rỗi đọc lại, chị thấy rất buồn cười.

Nam từ bé đã có khả năng ngôn ngữ. Nam nói rất nhanh và nói rất sõi, không hề bị ngọng như nhiều trẻ nhỏ khác. Có nhiều câu nói của Nam ở mỗi độ tuổi rất đáng yêu và ngộ nghĩnh như khi Nam 1 tuổi rưỡi, khi lần đầu tiên được xuống hầm địa đạo Củ Chi, bà ngoại đang bế Nam, thấy hầm địa đạo tối, bà ngoại kêu sợ quá, Nam ôm chặt bà và nói: “Bà đừng sợ, nơi hầm tối là nơi sáng nhất”.

Lúc đó mọi người đi cùng ồ lên ngạc nhiên. Không ai có thể nghĩ là một bé con có thể vận dụng thơ đúng chỗ như thế. Nhưng chị thì chị không ngạc nhiên lắm vì ở nhà, hai mẹ con thường chơi trò đào hầm. Chị chui vào chăn cùng Nam và đọc cho Nam nghe câu thơ đó, vì thế Nam nhớ và trong hoàn cảnh tương tự, Nam lập tức “vận dụng” ngay.

Từ lúc ở Nhật, Nam vẫn còn bé, nhưng đã có suy nghĩ rất người lớn. Có lần chị Hồ Điệp giải thích cho con về các bộ phận trong cơ thể. Chị bảo: “Cái miệng để ăn, cái tai để nghe, cái mũi để ngửi, thế mẹ đố Nam cái rốn để làm gì?”, Nhật Nam trả lời ngay: “Dạ, để nhắc là con đã được mẹ sinh ra vì khi con nằm trong bụng mẹ, con nối với mẹ bằng cái rốn. Có cái rốn thì không ai quên được bụng mẹ mình!”.

Xã hội - Trước khi là thần đồng, con đã biết yêu thương

Dịch giả nhí Đỗ Nhật Nam

Chị Hồ Điệp kể rằng, Nhật Nam là một cậu bé sống rất tình cảm. Những ngày mùa đông ở Hà Nội, gương nhà tắm mờ hơi nước, hàng ngày sau khi tắm xong, Nhật Nam luôn vẽ trái tim và ghi bằng tiếng Anh câu: “Con yêu mẹ” để mỗi khi mẹ Nhật Nam vào sau luôn luôn thấy câu ấy.

Nam thừa hưởng rất nhiều từ bố: tinh thần làm việc, sự cần cù và yêu khoa học, trái tim nhân hậu, luôn yêu thương mọi người và sống rất có trách nhiệm. Ở nhà, tuy là mẹ, nhưng nhiều lúc chị thấy cậu con trai nhỏ của mình mới là người lớn, người trưởng thành.

Nam rất ý chí, đã làm gì là cực kỳ bản lĩnh và quyết tâm. Nam vui vẻ, lạc quan, ít khi buồn hoặc giận dỗi. Điều này Nam hơn hẳn mẹ, vì mẹ rất hay nản chí. Có những lúc chị Điệp ốm, mệt, hay lo lắng chuyện gì đó, Nhật Nam ôm mẹ và nói:

“Mẹ đừng lo, con sẽ bảo vệ mẹ. Mẹ đừng buồn vì không có con gái. Con sẽ làm mọi việc con gái làm được cho mẹ”.

Đỗ Nhật Nam không chỉ quan tâm đến bố mẹ, không chỉ yêu quý ông bà, mà còn rất biết yêu quý những người xung quanh. Trong một lần do chẩn đoán nhầm, bác sĩ đã nghi ngờ Nhật Nam bị bệnh ung thư và đưa Nam vào khoa ung bướu bệnh viện Nhi Trung ương.

Đỗ Nhật Nam đã có những ngày sống bên cạnh các bệnh nhân ung thư nhí, gần gũi với các bạn có hoàn cảnh bất hạnh. Mấy tháng sau, Nam ra khỏi viện sau khi đã xác định là không hề bị bệnh, nhưng chính những tháng ngày sống chung với các bạn nhi bị bệnh đã thôi thúc Nhật Nam viết cuốn tự truyện “Lớp 1 ơi lớp 1” (sau này đổi thành “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?”) với mục đích quyên góp tiền cho các bạn khoa ung bướu chữa bệnh.

Từ sau lần nhập viện hụt đó, Nhật Nam luôn dành tình cảm đặc biệt cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Mỗi lần đi đến đâu có đặt hòm từ thiện, dù là đang mải chơi hay đang vội, Nhật Nam đều không quên xin tiền bố mẹ bỏ vào đó.

Nam rất thường xuyên đến thăm các bạn bệnh nhi, nhưng có lần, cách đây không lâu, khi mẹ rủ đi, Nam từ chối. Nam bảo: “Có lẽ con không nên đi đâu mẹ ạ. Việc con đi chỉ làm cho bố mẹ các bạn bệnh nhi buồn thêm. Con thấy họ nhìn con với ánh mắt rất buồn…”. 

Những suy nghĩ chín chắn, trưởng thành, và trái tim nhân hậu của Nam là điều khiến mẹ Hồ Điệp hạnh phúc và tự hào hơn cả, tự hào hơn cả những thành tích mà Nhật Nam đạt được trong học tập, bởi dù có trở thành ai trong tương lai thì trước hết, Nhật Nam đã trở thành một người tốt thực thụ.

Quang Đản

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.