Liên quan đến nghi án nhận hối lộ tại công ty Tenma Việt Nam (Bắc Ninh), ngày 26/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin. Thủ tướng yêu cầu nếu đúng phải xử lý nghiêm, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng và chống thất thu thuế.
Cùng ngày, bộ Tài chính có văn bản gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan liên quan đến những thông tin xảy ra tại công ty này.
Theo đó, bộ Tài chính yêu cầu lãnh đạo Tổng cục Thuế, Hải quan tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với các cán bộ tham gia đoàn kiểm tra thuế, hải quan và lãnh đạo Cục Thuế, Hải quan ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra tại công ty Tenma Việt Nam.
Hiện nay, Công an tỉnh Bắc Ninh, thanh tra Bộ Tài chính cũng đã vào cuộc làm rõ các thông tin được báo chí Nhật Bản đưa tin.
Trước đó, báo chí Nhật Bản đưa tin, hãng sản xuất nhựa Tenma có trụ sở tại Tokyo Nhật Bản thú nhận với Tòa án Tokyo rằng một công ty con của hãng tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh, Việt Nam - Công ty TNHH Tenma Việt Nam - đã hối lộ cán bộ nhà nước của Việt Nam với ước tính tổng số tiền lên đến 25 triệu yên (tương đương khoảng 5,4 tỷ đồng).
Trả lời báo Vietnamnet bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, vụ việc đang được các cơ quan thanh tra thuế, tài chính kiểm tra, rà soát để tiến hành các biện pháp khác.
6 lãnh đạo ngành đường sắt nhận hối lộ 100 triệu Yên
Trước đó cũng từng xảy ra vụ việc tương tự khi 6 lãnh đạo thuộc Ban Quản lý dự án đường sắt và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nhận khoản hối lộ lên đến 100 triệu Yên.
Theo kết luận điều tra, ngày 31/10/2008, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến 01 (giai đoạn 1). Dự án này được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giao cho chủ đầu tư Ban quản lý dự án đường sắt Việt Nam (RPMU).
Ngày 9/9/2009, VNR ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật do nhà thầu Nhật Bản JTC đứng đầu.
Gần cuối tháng 3/2013, một loạt tờ báo Nhật Bản đưa tin ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch công ty tư vấn đường sắt JTC đưa hối lộ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, nhằm đổi lấy trúng thầu dự án ODA.
Ngày 26/3/2014, Đoàn thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã thanh tra một loạt các dự án JTC tham gia, trong đó có dự án đường sắt đô thị do RPMU làm chủ đầu tư.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định vào tháng 2/2009, ông Phạm Hải Bằng, khi đó là chủ nhiệm dự án, trong quá trình làm việc với nhà thầu JTC đã đặt vấn đề RPMU gặp nhiều khó khăn về kinh phí trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Đại diện của JTC tại Việt Nam lúc đó là ông Kiuchi - Giám đốc thực hiện dự án và Sakine - Phó Ban Đối ngoại - đã đồng ý “hỗ trợ” một khoản kinh phí cho RPMU.
Tại cơ quan điều tra, các bị can Bằng, Thái và Duy khai nhận đã sử dụng hết tiền vào các hoạt động liên quan đến dự án như tiếp khách, đối ngoại, tổ chức ký hợp đồng hoặc chung chi cho hoạt động của RPMU như đi nghỉ mát, thưởng lễ, Tết…
Một chi tiết quan trọng là trong quá trình điều tra vụ PCI, phía Nhật Bản đã chuyển cho Việt Nam trên 3.000 trang tài liệu liên quan đến vụ việ này.
Chi phí dịch thuật bộ tài liệu này ước tính khoảng 1 tỷ đồng", Tổng thanh tra Chính phủ khi ấy là ông Trần Văn Truyền cho hay.
Theo VTC News, ngày 27/10/2015, HĐXX đã đưa ra phán quyết cuối cùng. Theo đó, bị cáo Phạm Hải Bằng (nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt – RPMU – thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) bị tuyên án 12 năm tù giam. Bị cáo Nguyễn Nam Thái (nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3, Ban quản lý các dự án RPMU) 11 năm tù giam. Bị cáo Phạm Quang Duy (nguyên Phó Tổng giám đốc RPMU) 8 năm 6 tháng tù giam. Trần Văn Lục (nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt – RPMU) 5 năm 6 tháng tù. Trần Quốc Đông (nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cựu Giám đốc RPMU) 7 năm 6 tháng tù. Cuối cùng, bị cáo Nguyễn Văn Hiếu (nguyên Giám đốc RPMU) lĩnh mức án 7 năm 6 tháng tù giam.
HĐXX xác định, các bị cáo phải có trách nhiệm bồi hoàn số tiền 11 tỷ đồng.
Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây lĩnh 20 năm tù vì nhận hối lộ
Ngày 10/9/2008, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C37) cho biết đã vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc vì sao PCI không tham gia đấu thầu nhưng vẫn thắng thầu, trong dự án đại lộ Đông Tây tại TP.HCM.
Thông tin trên báo Dân trí, tổ công tác đặc biệt đã đến nhiều cơ quan tại TP.HCM, gặp ít nhất 10 nhân vật, ghi nhận lời khai và các tình tiết liên quan để làm rõ các nội dung cần được điều tra.
Trước đó, ngày 25/8/2008, cơ quan công tố của Nhật đã truy tố bốn cựu quan chức của PCI về tội đưa hối lộ.
Theo hãng thông tấn Kyodo, các bị cáo bị truy tố vì đã đưa hối lộ khoảng 90 triệu Yên, tức khoảng 820.000 USD, cho một cán bộ có quyền quyết định trong Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TPHCM từ năm 2003 - 2006, để thắng thầu dự án liên quan đến xây dựng.
Sáng 19/11/2008, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Huỳnh Ngọc Sĩ bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra vụ việc này.
Ngày 1/9/2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã quyết định tuyên sửa bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, giảm án bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ từ tù chung thân xuống còn 20 năm tù về tội nhận hối lộ (bản án sơ thẩm tuyên án tù chung thân).
Tổng hợp chung với bản án 6 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (trong việc lấy trụ sở của Ban quản lý dự án cho PCI thuê làm trụ sở văn phòng), bị cáo Sĩ phải chấp hành hình phạt chung 26 năm tù, theo báo Tuổi trẻ.
Đại lộ Đông Tây được khởi công xây dựng vào ngày 31/1/2005 sau gần 8 năm chuẩn bị và giải phóng mặt bằng. Vị trí tuyến dự án đi qua địa bàn quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Bắt đầu từ quốc lộ 1A huyện Bình Chánh và kết thúc tại xa lộ Hà Nội quận 2, tổng chiều dài toàn tuyến là 21,89 km. Đặc biệt dự án có hạng mục hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn lớn nhất Đông Nam Á. Dự kiến hoàn tất dự án vào tháng 2/2008 nhưng phải dời lại đến đầu năm 2010.
Dự án với tổng vốn đầu tư ban đầu gần 9.864 tỷ đồng, trong đó có 6.394 tỷ đồng vay ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), số còn lại 3.470 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.
Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)