Chia sẻ về chuyện trầm cảm, stress và rối loạn, TS. Dương Minh Tâm Trưởng phòng Phòng điều trị rối loạn liên quan – Viện Sức khỏe Tâm thần chỉ ra trường hợp một thanh niên trẻ phát bệnh tâm thần chỉ vì lo nghĩ quá nhiều trước và sau khi lấy vợ.
Theo lời kể của Tiến sĩ, bệnh nhân là Nguyễn Thế N. (SN 1991). Sau khi tốt nghiệp cấp 3, N. học lái xe ô tô và làm nghề lái xe. Công việc đều đặn, không quá vất vả hay căng thẳngvà cũng không hề có dấu hiệu của bệnh tật.
Thế nhưng mọi chuyện thay đổi khi anh chuẩn bị làm đám cưới, anh N. luôn trong tình trạng lo lắng, suy nghĩ, trăn trở một cách thái quá,lo cưới tốn kém không đủ tiền, kèm theo lo lan man nhiều chủ đề như kinh tế, sức khỏe, việc sau cưới có hợp nhau không.
Thậm chí, nam thanh niên này còn luôn cảm thấy lo sợ sẽ có điều không may sẽ xảy ra với mình và gia đình.
Không chỉ vậy, anh còn lo sợ lái xe gặp tai nạn nên không dám ra ngoài đường.
Sau khi cưới được 5 tháng, N. vẫn không thoát khỏi tình trạng lo lắng, suy nghĩ đủ chuyện.
Hậu quả là N. bắt đầu xuất hiện ngủ kém, khó vào giấc, đêm dễ giật mình. Anh mệt mỏi nhiều, nặng hơn về chiều tối, kèm theo các cơn hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, vã mồ hôi, căng thẳng sợ hãi.
Bệnh nhân thấy nghẹn tức cổ, thở hụt hơi, hay phải gắng sức để thở, ăn uống kém hơn. Tính tình anh cũng hay trở nên nóng giận, nóng ruột gan, khó tập trung…
Bệnh tình ngày một nặng, sau khi thăm khám, anh được bác sĩ chẩn đoán "Rối loạn lo âu lan tỏa" – một dạng nhẹ của rối loạn tâm thần.
Rối loạn lo âu là sự lo sợ quá mức trước một tình huống xảy ra, có tính chất vô lý, lặp lại và kéo dài gây ảnh hưởng tới sự thích nghi với cuộc sống.
Khi lo âu và sợ hãi quá mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, vẫn tiếp tục ngay cả khi mối lo thực tế đã kết thúc thì đó là bệnh lý.
Theo TS Dương Minh Tâm, các rối loạn liên quan stress ngày càng gia tăng. Bệnh thường khởi phát ở lứa tuổi trẻ, nữ gặp nhiều hơn nam.
Tại viện Sức khoẻ tâm thần, mỗi ngày khám từ 200-300 bệnh nhân. Nguyên nhân có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội…, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân.
Tiến sĩ cho biết thêm, một người có nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh.
Nếu bị bệnh mà người đó có nhân cách mạnh thì cũng dễ khỏi bệnh. Ngược lại, những người có tính cách chi ly, cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ, bệnh chậm hồi phục.
Được biết, khi rối lọan lo âu lan tỏa biến chứng đến trầm cảm rỏ rệt thì chúng có nguy cơ tự sát cao.
Bệnh nhân nên được hỏi về các triệu chứng trầm cảm, kể cả ý tưởng tự sát. Nếu các câu trả lời gợi ý nguy cơ tự sát, lượng giá về tâm thần nên được thực hiện càng nhanh càng tốt.
Cũng như nhiều rối loạn tâm lý khác việc điều trị bao gồm hai phương pháp chính, đó là sử dụng thuốc và các liệu pháp tâm lý trong đó có liệu pháp hành vi nhận thức, tham vấn tâm lý, thư giãn tinh thần.
Minh Anh (tổng hợp)