Diễn đàn có sự tham gia của Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini.
Phát biểu trong ngày làm việc thứ hai của Diễn đàn SPIEF-2019, Tổng thống Putin đã đề cập các nhiệm vụ cải thiện phúc lợi của người dân Nga, các chương trình, chiến lược và dự án phát triển công nghệ của Nga. Tổng thống Putin nêu một số ý tưởng để tối ưu hóa hệ thống quản trị toàn cầu, nhấn mạnh tính cần thiết của việc hiện đại hóa hệ thống này trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng.
Trong bài phát biểu tại phiên toàn thể, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Nga là một đối tác chiến lược quan trọng và là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trên mọi lĩnh vực hợp tác, cho rằng hai nước cần tăng cường phối hợp trên trường quốc tế để bảo đảm an ninh năng lượng toàn cầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cho rằng nền kinh tế kỹ thuật số, thương mại điện tử và việc đổi mới khoa học - kỹ thuật sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới, giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác Trung - Nga.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết Armenia sẵn sàng tăng cường hội nhập sâu rộng trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), cũng như sẵn sàng phát triển quan hệ đối tác với Liên minh châu Âu (EU), coi sự hội nhập và xích lại gần nhau giữa hai khối này là tất yếu.
Thủ tướng Pashinyan lưu ý rằng ưu tiên trong chiến lược cải cách của Chính phủ Armenia là phát huy toàn bộ tiềm năng các mối quan hệ kinh tế đối ngoại và tham gia vào tất cả các cấu trúc hội nhập quốc tế.
Ngay sau phiên họp toàn thể kéo dài hơn 3 tiếng, đồng chí Nguyễn Văn Bình cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã có cuộc gặp làm việc với ông Alexey Miller, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga và ban lãnh đạo tập đoàn này.
Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận việc triển khai thực hiện các dự án song phương và triển vọng hợp tác, nhất là việc phát triển các dự án trong lĩnh vực sản xuất điện và khí hoá lỏng trong thời gian tới.
Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg là sự kiện đặc biệt được tổ chức từ năm 1997 và được Tổng thống LB Nga bảo trợ từ năm 2006 đến nay. Trong hơn hai thập niên qua, SPIEF đã trở thành một diễn đàn hàng đầu khu vực và thế giới nhằm thảo luận các xu hướng, thách thức và triển vọng phát triển kinh tế không chỉ của riêng nước Nga mà còn của toàn thế giới. Diễn đàn cũng là điểm đến để cộng đồng doanh nghiệp quốc tế gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Với chủ đề "Thiết lập Chương trình nghị sự phát triển bền vững", Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg lần thứ 23 diễn ra từ ngày 6 đến 8/6 với hơn 170 hoạt động, thu hút sự tham gia của hơn 17.000 đại biểu từ các nước trên thế giới gồm các nhà lãnh đạo hàng đầu của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, giới doanh nhân, các chuyên gia kinh tế và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trên thế giới.
Theo TTXVN