Chiều 1/4, trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Chỉnh, Giám đốc sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận cho biết, việc cán bộ, công chức của tỉnh này vi phạm quy chế thi vào lớp cao học Luật của đại học Luật TP.HCM đã được sở Nội vụ tỉnh công bố công khai trên trang web của Sở.
Theo thông báo này, trong thời gian vừa qua, trên một số trang báo điện tử đăng tải thông tin có hai cán bộ, công chức của tỉnh Bình Thuận do sở Nội vụ cử tham gia dự kỳ thi tuyển sinh đầu vào lớp cao học Luật tại trường đại học Luật TP.HCM, có hành vi quay cóp tài liệu dẫn đến việc bị đình chỉ thi.
Về vấn đề này, sở Nội vụ thông báo như sau: Sau khi nhận được thông tin, sở Nội vụ đã xác minh, tìm hiểu thông tin công bố tại trang web của trường đại học Luật TP.HCM về sự việc nói trên và trao đổi trực tiếp với lãnh đạo phòng Đào tạo sau đại học.
Theo đó, kỳ thi tuyển sinh đầu vào lớp cao học Luật tổ chức vào ngày 25, 26/3/2017, có 4 thí sinh bị đình chỉ vì mang tài liệu vào phòng thi, vi phạm quy chế thi. Trong đó, 2 thí sinh là cán bộ, công chức của tỉnh Bình Thuận.
Hai thí sinh vi phạm là bà Huỳnh Thị Hoa, Trưởng ban Pháp chế, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận; bà Thân Thị Kim Liên, công chức cơ quan Thanh tra tỉnh Bình Thuận. Căn cứ vào quy định phân công, phân cấp quản lý cán bộ, công chức hiện hành, luật Cán bộ, công chức và các quy định của pháp luật có liên quan, sở Nội vụ đã có báo cáo thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc vi phạm quy chế thi của bà Huỳnh Thị Hoa và đề nghị Thanh tra tỉnh yêu cầu bà Thân Thị Kim Liên giải trình, xem xét xử lý theo quy định.
Cũng theo ông Chỉnh, thời gian qua, hai cán bộ, công chức vi phạm quy chế thi đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình theo đánh giá của cơ quan, đơn vị công tác. Tuy nhiên, việc xảy ra lần này là quá bất ngờ và sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận cũng chưa gặp trường hợp nào tương tự.
Ông Chỉnh khẳng định: “Về vấn đề trên, chúng tôi đã báo cáo với cơ quan quản lý trực tiếp hai cán bộ, công chức này. Họ vi phạm thì phải có trách nhiệm giải trình với cơ quan. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp trường hợp cán bộ, công chức vi phạm quy chế thi. Vì vậy, để có hướng xử lý đúng đắn, chúng tôi đã yêu cầu cơ quan của hai cán bộ, công chức này đưa ra họp, có hướng xử lý kịp thời".
"Trách nhiệm xử lý hai cán bộ, công chức vi phạm quy chế thi thuộc thẩm quyền cơ quan họ công tác. Việc xử lý dựa vào nội dung vi phạm của từng cán bộ, công chức. Từ trước đến nay, tỉnh Bình Thuận chưa có trường hợp nào bị xử lý về lỗi tương tự. Hai cán bộ, công chức vi phạm nội quy, quy chế lớp học, cơ quan sẽ có hình thức phê bình, kiểm điểm hoặc nhắc nhở. Nặng hơn, họ có thể bị kỷ luật. Ở mức cụ thể nào thì phải dựa vào Nghị định 34 về xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm", ông Chỉnh cho biết thêm.
PV báo Người Đưa Tin cũng đã liên hệ với lãnh đạo trường đại học Luật TP.HCM để hỏi thông tin sai phạm cụ thể của 2 thí sinh đang là cán bộ, công chức tại tỉnh Bình Thuận. Trao đổi với PV, một cán bộ phòng Đào tạo sau đại học, trường đại học Luật TP.HCM cho biết: “Về vụ việc này, chúng tôi đã thông báo cụ thể trên trang web của trường. Hiện, hai thí sinh đã bị đình chỉ thi. Thông tin cụ thể, chúng tôi nghĩ nên chờ Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, hiện đang đi công tác, sau khi trở về sẽ có câu trả lời chi tiết hơn". Cán bộ này cho biết, hằng năm, trường đại học Luật TP.HCM đều tổ chức thi cao học, chỉ tiêu cụ thể và những thông tin liên quan như thời gian đào tạo, học phí đều được công bố rõ ràng, cụ thể trên trang web của trường. Thực tế những năm gần đây, nhu cầu học hệ đại học, sau đại học các ngành Luật tại trường rất cao. Vì vậy, tỉ lệ chọi rất cao. Điểm đầu vào tất cả ngành học, bậc học tại trường đều rất cao. Do đó, thí sinh trúng tuyển phải là những người có kiến thức vững chắc và học lực khá. |
Lành Nguyễn - Thu Huế