Trưởng bản “thống lĩnh” 40 năm trên đỉnh Mẫu Sơn

Trưởng bản “thống lĩnh” 40 năm trên đỉnh Mẫu Sơn

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Ông Triệu Chằn Sỉu ở bản Khuẩy Cấp (xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) được người dân tôn là bậc "thống lĩnh" trên núi Mẫu Sơn bởi ông đã dẫn dắt hàng trăm hộ dân nơi đây thoát cảnh đói nghèo.

Làm trưởng thôn từ năm 19 tuổi

Chúng tôi biết đến ông Sỉu, người được coi là "linh hồn" của bà con dân tộc Dao trên đỉnh Mẫu Sơn qua lời kể của một số bà con nơi đây. Họ bảo, ở đây chỉ có ông Sỉu là xứng đáng làm trưởng bản nhất. Ông ấy là người đã từng đánh giặc bảo vệ người Dao, lại là người quyết đoán, dám làm, dám chịu và đưa cuộc sống của dân bản phát triển hơn những bản khác...

Ông Sỉu dáng người nhỏ thó, giọng nói vang như chuông đồng, ánh mắt sáng quắc long lanh. Ông bảo: “Ta với bà con cãi nhau suốt. Mỗi hôm họp dân là một cuộc tranh luận nảy lửa. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, mình cũng phải giải thích cho dân hiểu. Khi hiểu rồi thì họ sẽ nghe theo. Mình thuần phục dân không phải vì đao to, búa lớn mà bằng chính những việc làm thực tiễn. Việc làm đó phải đem lại lợi ích cho nhân dân. Chỉ khi làm được như vậy thì dân mới nghe lời mình”.

Nhịp sống - Trưởng bản “thống lĩnh” 40 năm trên đỉnh Mẫu Sơn

Ông Triệu Chằn Sỉu rất tự hào được Bộ Văn hóa tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp dân số.

Ông bảo: "Ta sinh năm 1954, nhưng làm trưởng bản từ trước những năm 1974. Nhớ lúc đó ta mới mười tám đôi mươi. Khi làm trưởng bản ta còn phải đi học, sau đó ta bỏ học về làm trưởng thôn và phụ trách dân quân trong xã".

Năm 1974 cấp trên chỉ thị là cần phải bầu ngay một người để lãnh đạo ba thôn gồm: Khuẩy Cấp, Khuẩy Tẳng và Khuẩy Lầy. Công việc bình bầu phải diễn ra dân chủ và công khai. Họ phải là người được nhân dân tín nhiệm. Ngay sau chỉ thị đó, chính quyền đã tổ chức một cuộc họp dân ngay tại Mẫu Sơn. Bà con ba bản đã thống nhất bầu ông Sỉu làm trưởng bản. Lúc bấy giờ, chính quyền lại cử ông Sỉu đi học. Ngày đó, ông phải làm ba việc một lúc là trưởng thôn, dân quân và đi học.

Ông Sỉu kể lại: "Hồi đó cực khổ lắm, mỗi bữa đi học ta chỉ được ăn hai bát cơm ngô trộn sắn. Đến năm 1979 chiến tranh biên giới, ta xin thôi học để về bản lãnh đạo bà con sơ tán, đồng thời huy động dân quân, thanh niên cùng với bộ đội ngày đêm đánh giặc". Sau chiến tranh biên giới, ông tiếp tục được người dân tín nhiệm làm trưởng bản cho đến nay.

“Ông Sỉu đã làm trưởng bản từ rất lâu. Khi bà còn bé đã thấy ông Sỉu làm trưởng bản và được người dân hết sức tín nhiệm. Năm nay ông ấy xin nghỉ nhưng xã động viên ông ấy tiếp tục lãnh đạo dân làng, làm ăn, sản xuất”, bà Dương Thị Minh, phó chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn xác nhận.

Ông Sỉu nhớ lại chuyện vận động phụ nữ bản tránh thai. Ban đầu ông nói nhưng dân không nghe. Họ nói trưởng bản cũng sinh đến sáu đứa con sao lại bắt người khác chỉ được đẻ có hai đứa?. Lúc ấy, ông Sỉu giải thích: "Thời của ta lạc hậu hơn bây giờ. Ta đã chịu khổ vì đẻ nhiều rồi. Chẳng hạn như thịt một con gà, nhà ít người thì được ăn no, nhưng đông con thì mỗi người được có một đến hai miếng. Đó là chưa nói đến việc một ngày không có đủ cơm ăn hai bữa, áo không đủ ấm, không cho con đi học được".

Ngoài ra, chỉ cần tính mỗi một đứa con khi đi lấy vợ, chồng, phải làm cho mỗi đứa một cái nhà, phải cho chúng mảnh ruộng... Nhưng ruộng không có, nhà không xây được, khổ lại càng thêm khổ.

Về sau dân thấy trưởng bản nói đúng nên ai nấy đều nghe theo. Đến nay đã bốn năm liền, bản Khuẩy Cấp không có trường hợp nào sinh con thứ ba. Ông Sỉu lấy đó là niềm tự hào cho cả bản và cho chính mình.

Bắt đất rừng nở hoa

Theo lời của trưởng bản Triệu Chằn Sỉu, ngày trước, dân Khuẩy Cấp sống cực khổ lắm. Họ làm lụng quanh năm mà không đủ ăn. Đó là do người dân lạc hậu, không chịu đi học. Dân cứ nghĩ trồng hạt ngô thì chỉ việc cạy đất tra hạt, rồi cuối vụ thu hoạch. Nhưng chuyện không đơn giản như thế. Trồng ngô cũng cần phải có khoa học thì nó mới tốt được, người dân mới đủ cái để ăn.

Ông cho biết, vì đời sống người dân quá khó khăn nên năm 2006, đích thân trưởng bản phải đi tìm giống ngô mới có năng suất, chất lượng hơn giống ngô cũ về trồng. Ông lên huyện mua được hai gói ngô, rồi họp cả bản lại để triển khai trồng. Nhiều người phản đối vì sợ giống không chuẩn.

Thế là cuộc họp vì hai gói ngô lai kéo dài đến mấy phiên mà không ai nhất trí trồng. Vậy là ông Sỉu đã đem ngô trồng hết lên rẫy nhà mình.

Ba tháng sau khi chăm sóc, trưởng bản thu được những bắp ngô mới to như bắp tay. Năm đó, đoàn cán bộ thuộc UBND huyện Lộc Bình nghe tin ông quyết tâm đổi mới giống ngô nên đã tới thăm và ghi nhận công lao của ông Sỉu. Đồng thời, họ triển khai mô hình cho toàn dân học tập. Vài tháng sau tất cả các hộ dân trong thôn Khuẩy Cấp đều trồng ngô lai giống như gia đình ông Sỉu.

Không những đem giống ngô về bản phổ biến cho dân, mà ông Sỉu còn lặn lội xuống núi đi học hỏi rồi tìm những giống lúa mới đem về cho dân bản gieo cấy. "Bây giờ, cả bản Khuẩy Cấp nhà ai cũng có ngô đầy nương, gạo đầy nhà không còn lo đói nữa.

Sang năm nay, dân làng còn góp tiền thuê máy xúc về bản để mở mang đường xá, khai hoang ruộng nương để có thêm đất làm ăn", ông Sỉu tự hào.

Quách Minh Trí


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.