Cán bộ dùng bằng giả để đủ điều kiện học cao, từ đó “lọt lưới” ngồi vào các vị trị quản lý, lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước. Sự việc ông Lê Thành Nhân (44 tuổi) - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vị Thanh (Hậu Giang) xin từ chức sau khi việc ông từng “mượn” bằng THCS của một người bạn học cùng tên, cùng năm sinh để học tiếp bị đưa ra ánh sáng là minh chứng. Điều đáng nói, những sự việc như trên đang không còn cá biệt.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó ban thường trực Ban tổ chức TƯ để làm rõ vấn đề này.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang - người sử dụng bằng cấp 2 của bạn cùng tên để học lên cao đã xin từ chức. Ông đánh giá sao về câu chuyện này?
Việc gian dối về bằng cấp, hồ sơ bị phát hiện, đương nhiên nếu ông Nhân không từ chức cũng không thể đủ điều kiện ngồi ở vị trí đó. Nhưng, từ câu chuyện này lại khiến người ta đặt câu hỏi về công tác cán bộ.
Cụ thể, ở trường hợp này, cán bộ sử dụng bằng giả suốt hàng chục năm trời mà các đơn vị làm công tác cán bộ không phát hiện ra đã cho thấy việc quản lý cán bộ kém. Đề bạt người ta mà không biết lý lịch, trình độ như thế nào là không thể chấp nhận được.
Ý thức tự giác của cán bộ kém, công tác cán bộ không phát hiện ra sự gian dối, nếu để các trường hợp này “leo cao”, hệ lụy chắc chắn không hề nhỏ, thưa ông?
Đúng như vậy. Ông này đã là cán bộ công chức hàng chục năm mà không bị phát hiện dùng giả bằng cấp 2. Vị này “lọt lưới” từ cấp cơ sở, leo lên đến tận chức vụ Trưởng ban tổ chức Thành ủy.
Đây là vị trí quan trọng - là nơi có quyền quyết định cho những vấn đề liên quan đến tổ chức như đề bạt, bổ nhiệm, cất nhắc, điều chuyển cán bộ, xem xét việc phát triển Đảng trong địa bàn phụ trách... Đây là một chức vụ có trách nhiệm “sàng lọc” cán bộ mà người lãnh đạo như vậy liệu có thể đủ tâm, tầm quyết định công tác cán bộ trên địa bàn?.
Chính vì thế, muốn tốt lên thì phải sửa. Đầu tiên là việc giáo dục, nâng cao tình thần ý thức trách nhiệm của mỗi người về bản thân và xã hội. Thứ hai, phải siết công tác quản lý cán bộ từ cấp cơ sở đến cấp cao hơn.
Vấn đề về sự “nhập nhèm” bằng cấp của cán bộ thì đây không phải trường hợp đầu tiên. Vừa qua, dư luận cũng dấy lên nghi án về việc cấp bằng ĐH chính quy sai quy định cho ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT của PVC. Tuy nhiên, các bên liên quan lại tìm cách “đá bóng” trách nhiệm trong cung cấp thông tin. Chẳng lẽ, bằng cấp cán bộ lại khó công khai đến vậy, thưa ông?
Đầu tiên là nơi cấp bằng phải lưu hồ sơ liên quan. Thứ hai, nơi trực tiếp quản lý cán bộ phải lưu hồ sơ. Nếu hai nơi này không có thì đó là bằng rởm, là khai láo. Bằng đã phát thì phải lưu hồ sơ gốc liên quan.
Quả thực, chuyện gian lận bằng cấp bị phát hiện thường xảy ra cách đây vài chục năm. Có lẽ, việc quản lý hồ sơ, thông tin còn chưa chặt chẽ khiến các trường hợp gian lận dễ lọt.
Cán bộ dùng bằng giả để hợp thức hóa việc “thăng quan tiến chức” nhưng sau đó, một điệp khúc mà chúng ta thường được nghe là cán bộ đó “phẩm chất tốt”. Phải chăng đó là nghich lý?
10 người có 9 người tốt, một người xấu là để lại hậu quả. Tuy nhiên, tôi cảm thấy lạ là khi cán bộ bị phát hiện sử dụng bằng giả mà người quản lý họ vẫn nói đó là “cán bộ có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt”. Bởi, việc sử dụng bằng giả, có mục đích vụ lợi là hành vi gian dối có chủ đích, không thể nói đó là cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt được.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Hoàng Mai (thực hiện)