Đến nay, Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí đã đào tạo trên 160.000 lượt học viên với hơn 100 chương trình đào tạo.
Đào tạo đa dạng
Trong công tác đào tạo, Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí (PVMTC) đã và đang triển khai nhiều chương trình đào tạo với nhiều loại hình khác nhau, từ đào tạo ngắn hạn đến dài hạn, bao gồm các loại hình: Đào tạo nghề chuyên ngành dầu khí; Đào tạo bồi dưỡng thường xuyên; Đào tạo ngoại ngữ, tin học; Đào tạo an toàn - môi trường; Đào tạo trước tuyển dụng cho các dự án; Kết hợp với các trường đại học, các trung tâm đào tạo trong và ngoài nước đào tạo trình độ đại học và sau đại học. Đồng thời, PVMTC còn thực hiện các dịch vụ tư vấn đào tạo và đào tạo theo yêu cầu của khách hàng.
Các chương trình đào tạo của nhà trường được cập nhật liên tục, đổi mới thường xuyên để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của khoa học công nghệ và khách hàng. Nhà trường đã thiết kế và tổ chức thực hiện nhiều chương trình đào tạo khác nhau từ thượng nguồn đến hạ nguồn thuộc nhiều lĩnh vực như thăm dò, khai thác dầu khí; vận chuyển, tồn chứa, phân phối sản phẩm dầu khí; chế biến dầu khí, phân tích các sản phẩm dầu khí; điện công nghiệp - đo lường - điều khiển - tự động hóa - cơ điện tử; hàn - lắp ráp - chống ăn mòn - kiểm tra không phá hủy; lặn - khảo sát công trình; an toàn sức khỏe môi trường; quản lý, tài chính, thương mại, luật và các chương trình theo yêu cầu khách hàng.
Trường đã đào tạo cho hơn 1.700 kỹ sư và 2.500 công nhân của hầu hết các dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực lọc dầu, hóa dầu, chế biến khí, vận chuyển khí, điện khí, điện than, đạm… cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị trong ngành làm chủ đầu tư, góp phần đưa các công trình dầu khí vào vận hành an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ.
Một trong những dự án đào tạo tiêu biểu mà PVMTC đã thực hiện, đó là đào tạo cho hơn 600 kỹ sư và công nhân thuộc Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đã được chủ đầu tư là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và đơn vị tư vấn quản lý đào tạo - Công ty Honeywell Việt Nam đánh giá cao về chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp trong công tác đào tạo và quản lý đào tạo dự án.
Riêng trong năm 2017, PVMTC vừa hoàn thành công tác đào tạo cho hơn 200 học viên thuộc Dự án Đào tạo đội ngũ nhân sự vận hành và bảo dưỡng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao
Bên cạnh dịch vụ đào tạo, lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật cũng là thế mạnh khác được PVMTC duy trì và phát triển trong nhiều năm qua, gồm 3 lĩnh vực chính là dịch vụ bảo dưỡng thiết bị đo lường, điều khiển, tự động hóa; dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng thiết bị công nghiệp và dịch vụ khảo sát công trình ngầm.
Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ khảo sát công trình ngầm là một trong những dịch vụ kỹ thuật thế mạnh của PVMTC. Dịch vụ này đã khẳng định được uy tín, thương hiệu của nhà trường trong những năm vừa qua, được các nhà thầu cả trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, việc trở thành thành viên chính thức Hiệp hội Các nhà thầu công trình biển (IMCA), đã cho thấy hoạt động khảo sát công trình ngầm của PVMTC khẳng định được chất lượng và được tổ chức quốc tế công nhận.
Trường đã xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự thuộc Phòng Dịch vụ Công trình ngầm - là đơn vị thực hiện công tác lặn với hơn 70 cán bộ bao gồm các chức danh thợ lặn, giám thị lặn, cán bộ an toàn, bác sĩ, kỹ sư, kỹ thuật viên... Tất cả đều được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm và được các cơ quan đăng kiểm đánh giá và công nhận. Với tiêu chuẩn rất khắt khe, tất cả cán bộ giám thị lặn đều là thợ lặn bậc 4/4, có hơn 10 năm kinh nghiệm và được tổ chức Lloyd’s Register kiểm tra đánh giá đạt chuẩn (Thợ lặn khảo sát 3.2U); đội ngũ thợ lặn đều được đào tạo trung cấp nghề kỹ thuật lặn theo tiêu chuẩn nghề của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm và được tổ chức Lloyd’s Register kiểm tra, đánh giá đạt chuẩn (Thợ lặn khảo sát 3.1U).
Về trang thiết bị, trường đã đầu tư, nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác lặn bao gồm 5 trạm lặn theo tiêu chuẩn tổ chức IMCA và nhiều trang thiết bị khác để phục vụ công tác khảo sát, sửa chữa các công trình ngầm như: thiết bị cắt hồ quang - oxy dưới nước; thiết bị hàn dưới nước; thiết bị mài và cắt bằng thủy lực; phao nâng; máy chụp ảnh dưới nước; thiết bị MPI kiểm tra vết nứt đường hàn dưới nước; máy phun nước áp lực cao; thiết bị phun cát dưới nước; máy đo độ dày vách kim loại sử dụng sóng siêu âm; máy kiểm tra khuyết tật đường hàn sử dụng sóng siêu âm; máy đo điện thế bảo vệ dưới nước và các loại thiết bị nâng phục vụ công việc xây lắp dưới nước...
Không ngừng đổi mới, đầu tư nâng cấp trang thiết bị hiện đại, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi, ngày một nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật đã khẳng định uy tín, thương hiệu của PVMTC với các nhà thầu trong và ngoài nước. Trường đã cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các khách hàng như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty Liên doanh Việt - Nhật (JVPC), Vietsovpetro, PTSC, Đại Hùng, PV GAS, Công ty Việt - Nga - Nhật, Cửu Long JOC, Biển Đông JOC, BP Petco, PMPC, PVFCCo, Superphosphate Long Thành, Điện Hiệp Phước, Điện Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau...
Với phương châm: “Uy tín, chất lượng, hiệu quả, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ kỹ thuật”, trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, PVMTC đã từng bước khẳng định thương hiệu, uy tín cả về công tác đào tạo, dịch vụ đào tạo và dịch vụ kỹ thuật, góp phần rất lớn vào sự phát triển của ngành Dầu khí cũng như công cuộc công nghiệp hiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Anh Thảo