Mấy ngày qua, cú đá thau cá của vị Trưởng Công an xã ở Đắk Lắk bỗng nổi như cồn trên mạng xã hội. Có thể là vì quá nóng nảy, vì quá bức xúc trước tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè mà vị Trưởng Công an xã đã có hành động phản cảm như trong clip ghi lại được tung lên mạng. May mắn thay, cú đá đó không vào má người dân.
Đành rằng, người dân có vi phạm khi lấn chiếm vỉa hè lề đường nhưng không phải vì thế mà vị Trưởng Công an xã ở Đắk Lắk có quyền… đá thau cá! Cú đá của vị Trưởng Công an xã rất không đẹp mắt chút nào. Chắc hẳn, không ít người phải kìm nén sự giận dữ khi chứng kiến hình ảnh một bà cụ luống cuống ôm vội ít đồ, cụp nón lủi thủi chạy đi khi thấy sự hung bạo trong nét mặt và hành vi của vị Trưởng Công an xã kia.
Trong khi vị Trưởng Công an xã đang thực thi pháp luật và lẽ ra việc làm của ông phải được dư luận ủng hộ nhưng chỉ vì cú đá chậu cá mà mọi nỗ lực chấp pháp lại đổ sông, đổ biển. Ngẫm cũng buồn cho ông!
Dù nhiều người “bào chữa” cho vị Trưởng Công an xã rằng, công việc giữ gìn trật tự nhiều áp lực, ý thức người dân quá kém… thì cũng không thể “gỡ tội” cho cú đá kia được. Không ai được phép xử lý cái sai bằng việc thực hiện một hành vi sai. Cú đá ấy đâu chỉ vào thau cá, mà chính là đá vào dân!
Ngay tại Thủ đô, tôi từng chứng kiến cảnh nhân viên dân phòng ném cân của người bán hàng rong, giằng co quang gánh khiến hoa quả giập nát… và thú thật tôi cũng thấy “gai mắt” lắm. Tôi tự hỏi, những người thừa hành pháp luật, với quyền lực trong tay chẳng lẽ không thể chọn cách hành xử văn minh hơn thay vì cứ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay một cách chợ búa?
Nhưng dẫu sao tôi cũng thấy mừng, khi một người thực thi pháp luật, biết sai và nhận trách nhiệm. Vị Trưởng Công an xã ở Đắk Lắk đã thừa nhận có hành động phản cảm và mong bà con bỏ qua cho hành động của mình.
Từ cú đá thau cá của vị Trưởng Công an xã ở Đắk Lắk công bằng mà nói, bất kỳ sự việc nào, chúng ta cũng cần nhìn từ hai phía. Mặc dù hành động này là phản cảm nhưng người dân thì sao? Người dân không thể biết sai mà vẫn vi phạm, đừng lấy cái nghèo ra để biện minh, rồi lấy miếng cơm mưu sinh để giải thích. Nếu ai cũng như vậy thì sao dẹp được chuyện lấn chiếm vỉa hè? Sức chịu đựng của con người cũng có hạn, nếu hoán đổi lại, người dân liệu có bức xúc khi ngày nào cũng đi dẹp rồi lại đâu vào đấy?
Thiết nghĩ, chỉ cần mỗi người có trách nhiệm hơn với hành động của mình thì sẽ chẳng cần ai “giải cứu” lòng đường, vỉa hè và cũng không còn những cú đá thau cá xảy ra. Và, quan trọng hơn không cần phải "giải cứu" lòng thương, sự thông cảm của người đời!
N.Giang