Sau khi nhận được đơn thư phản ánh của người dân về việc ông Cao Đức Toàn, Trưởng Công an xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để tham gia đào tạo lớp trung cấp Công an xã khóa II (2009-2011) mở tại Công an tỉnh và lớp Trung cấp lý luận chính trị- hành chính khóa VI (2014-2015) của trường Chính trị tỉnh mở tại trung tâm Chính trị huyện Minh Hóa, UBKT Đảng ủy xã Trung Hóa đã thành lập tổ kiểm tra để xác minh thông tin.
Điều đặc biệt, mặc dù là Trưởng Công an xã, nhưng quá trình kiểm tra, tổ kiểm tra thuộc Đảng ủy xã Trung Hóa đã không nhận được sự hợp tác thành khẩn của ông Cao Đức Toàn mà ngược lại, ông này toàn tìm cách né tránh.
Vì vậy, Thường vụ Đảng ủy xã Trung Hóa đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho UBKT Huyện ủy Minh Hóa và Công an tỉnh Quảng Bình tiến hành xác minh, làm rõ.
Theo tìm hiểu, giai đoạn từ tháng 9/2010 đến tháng 2/2015, ông Cao Đức Toàn tham gia 2 lớp đào tạo Trung cấp Công an xã khóa II và Trung cấp lý luận chính trị- hành chính khóa VI. Trong hồ sơ dự học đều có bản sao chứng thực bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc, số hiệu bằng 0936613/BTPT do sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cấp ngày 15/10/2009.
Việc ông Cao Đức Toàn đi học công an dùng bằng thật hay bằng giả, đã khiến dư luân địa phương này xôn xao suốt một thời gian dài.
Liên quan đến tấm bằng tốt nghiệp trên, trong cuộc họp của BCH Đảng bộ xã Trung Hóa, ông Cao Đức Toàn đã lý giải rằng: “Năm 2006, bản thân tôi vừa học Trung cấp kinh tế vừa học văn hóa. Sau khi có học bạ cấp III thì tôi đề nghị nhà trường cho tôi một giấy chứng nhận học hết cấp III chứ chưa có bằng. Tôi tiếp tục nộp học bạ vào Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa để thi tốt nghiệp nhưng bị trật. Năm 2009, tôi cầm học bạ vào Đồng Nai làm thủ tục tham gia thi, sau một thời gian thì có thông báo tốt nghiệp”.
Tuy nhiên, tại công văn số 2075/SGDĐT- KTKĐCLGD ngày 31/7/2018, sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai khẳng định ông Cao Đức Toàn, sinh ngày 6/5/1974, nơi sinh Quảng Bình, khóa thi ngày 2/6/2009, không có tên trong danh sách và không được sở GĐ&ĐT tỉnh Đồng Nai cấp bằng tốt nghiệp.
Về phía mình, khi sự việc tưởng đã được cơ quan chức năng làm rõ “mười mươi” thì ông Cao Đức Toàn vẫn không cúi đầu thừa nhận việc mình dùng bằng giả mà bất ngờ khẳng định, trong tất cả hồ sơ, lý lịch, giấy tờ của mình từ trước đến nay đều không có bằng tốt nghiệp THPT.
Mọi hồ sơ ông nộp để tham gia đào tạo (như 2 lớp đào tạo trên-PV) mà có bản sao chứng thực bằng tốt nghiệp THPT thì chính những tổ chức hoặc cá nhân nào đó giả mạo thêm vào "nhằm hãm hại" ông.
Sự việc tiếp tục được phòng PV05, Công an tỉnh Quảng Bình vào cuộc xác minh, điều tra. Kết luận điều tra của phòng PV05 ghi rõ: “Đồng chí Cao Đức Toàn, Trưởng Công an xã Trung Hóa sử dụng bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc, số hiệu bằng 0936613/BTPT do Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cấp ngày 15/10/2009 làm hồ sơ xét tuyển học lớp Trung cấp Công an xã khóa II và lớp Trung cấp lý luận chính trị- hành chính khóa VI. Tuy nhiên sở GĐ&ĐT tỉnh Đồng Nai xác nhận đồng chí Cao Đức Toàn không được sở cấp bằng tốt nghiệp hệ bổ túc như nêu trên.
Công an tỉnh trực tiếp làm việc với đồng chí Cao Đức Toàn, yêu cầu đồng chí viết bản tường trình về việc sử dụng bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc nói trên và đề nghị xuất trình bản gốc để kiểm tra. Đồng chí Toàn trả lời: “Tôi không biết, tôi không sử dụng để làm hồ sơ xét tuyển học lớp trung cấp Công an xã và thực tế tôi không có bằng gốc trên”. Tuy nhiên, việc đồng chí Cao Đức Toàn không công nhận đã sử dụng bản sao có chứng thực Bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc nói trên để làm hồ sơ xét tuyển học lớp Trung cấp Công an xã là không có cơ sở, thiếu trung thực, không tự giác nhận khuyết điểm.
Căn cứu kết quả xác minh, Công an tỉnh chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an huyện để phối hợp với phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện Minh Hóa xử lý theo thẩm quyền.
Những sai phạm của Trưởng Công an xã Trung Hóa đã được cơ quan chức năng tỉnh này làm rõ. Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm nhất lúc này, đó là hình thức xử lý đối với vị Trưởng Công an xã này như thế nào, không chỉ trong hành vi sử dụng bằng giả mà quan trọng nhất là thái độ, sự “lật lọng” của người này nhằm xóa bỏ sai phạm của mình, “đổ vấy” cho người khác để chối tội.