Trong chương trình tư vấn tuyển sinh đại học (ĐH) 2022 vừa diễn ra. Theo phương án tuyển sinh dự kiến, năm 2022, trường Đại học Ngoại Ngữ tuyển sinh 1.600 chỉ tiêu dành cho 13 chương trình đào tạo đại học chính quy và 500 chỉ tiêu chương trình quốc tế.
Trường sử dụng 3 phương thức tuyển là xét tuyển thẳng (theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; theo Quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội; với các thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT, A-Level, ACT và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế); xét kết quả bài thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Đáng chú ý, năm nay, trường ĐH Ngoại ngữ lần đầu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển với các thí sinh có kết quả kỳ thi VSTEP (kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam). Dự kiến điều kiện để xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm tiếng Anh là chứng chỉ VSTEP bậc 5 (tương đương C1), còn với các ngành còn lại là VSTEP bậc 4 (tương đương B2). Các điều kiện khác bao gồm thí sinh phải tốt nghiệp THPT, đạt hạnh kiểm Tốt 3 năm THPT và có điểm trung bình cộng 5 học kỳ môn Ngoại ngữ ≥ 8 hoặc có tổng điểm thi THPT 2 môn còn lại đạt từ 14 điểm trở lên.
Như vậy, ĐH Ngoại ngữ là trường ĐH đầu tiên xét tuyển thẳng với thí sinh dự thi đánh giá ngoại ngữ của đơn vị trong nước tổ chức. Được biết, Hà Nội hiện có 4 cơ sở ĐH được phép tổ chức kỳ thi VSTEP gồm: ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân.
Thực tế những mùa tuyển sinh qua cho thấy, xu hướng nhiều trường ĐH xét tuyển thẳng với thí sinh có chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, trong khi đó, Bộ GD&ĐT đang khuyến khích học sinh phổ thông được học và đánh giá theo trình độ của chứng chỉ VSTEP, từ A1, A2 đến B1, B2 và C1, C2, khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Mục tiêu đầu ra mà Bộ GD&ĐT yêu cầu học sinh từ tiểu học đến hết THPT đúng với chuẩn VSTEP.
Việc ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong tuyển sinh thời gian qua đã đặt ra những băn khoăn về việc thiếu công bằng trong tuyển sinh ĐH. Bởi nếu chỉ nghiêng về các chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài như IELTS thì quá bất công với các thí sinh, đặc biệt là các em ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Do đó, nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên cho rằng không có lý gì mà các trường ĐH lại không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP của Việt Nam để xét tuyển ĐH.
Quốc Tiệp (theo Tiền phong, Đại đoàn kết)