Cụ thể, hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trong cuốn giáo trình được sử dụng tại khoa Tiếng Trung và Tiếng Nhật, trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã được sinh viên phản ánh. Sau khi nhận được thông tin, trường cho biết đã tiến hành rà soát lại toàn bộ những giáo trình này. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng để lọt hình ảnh “đường lưỡi bò” trong giáo trình không phải lỗi của trường mà do các cơ quan khác. Theo ông, cần có cơ quan kiểm soát sách giáo khoa, giáo trình mua từ nước ngoài và việc này thuộc về nhà nước chứ không phải của trường.
Ngày 4/11, trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ bức xúc trước phát ngôn vô trách nhiệm này: “Vụ giáo trình xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” do đơn vị nào cung cấp thì cần phải kỷ luật, đóng cửa. Một quyển giáo trình để hình ảnh mang thông tin như vậy mà đưa vào công khai giảng dạy thì không thể không xử lý.
Chắc chắn, trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chọn giáo trình giảng dạy như vậy là quá nguy hiểm. Đầu tiên phải đưa ra “khảo” tổ chuyên môn trước, kiểm duyệt giáo trình ra sao mà lại để lọt vào chương trình giảng dạy cho biết bao sinh viên”.
“Trường đại học có tự chủ cũng không thể vô Chính phủ như vậy. Vì vậy phải kỷ luật nặng. Đây là vấn đề “sống còn”, không thể “lơ mơ” về chính trị”, GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Trước đó, theo phản ánh của sinh viên, bài 7 (trang 36) của cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese” được sử dụng cho giảng viên, sinh viên khoa Tiếng Trung và Tiếng Nhật trường đại học Kinh Doanh và Công nghệ có in hình bản đồ Trung Quốc kèm “đường lưỡi bò” ôm gần trọn biển Đông.
Ngay sau khi nhận được phản ánh của sinh viên, lãnh đạo trường đại học Kinh doanh và Công nghệ cho biết, đây là giáo trình mới được mua về vào đầu năm học 2019-2020. Khi phát hiện có hình ảnh “đường lưỡi bò” trong sách, ban giám hiệu nhà trường đã họp và thu hồi tất cả giáo trình này. Một số cuốn đã được bán tới tay sinh viên cũng đã được thu hồi về và tiêu hủy.
Bên cạnh đó, nhà trường đã cho gọi những sinh viên của khoa mang tài liệu này lên và yêu cầu cắt hủy trang có hình bản đồ “đường lưỡi bò”.
“Ngay sau khi phát hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp này trong giáo trình giảng dạy cho sinh viên, ban lãnh đạo nhà trường đã ra quyết định thu hồi và tiêu hủy tất cả số giáo trình. Mặc dù đây là lỗi của nhà xuất bản, nhà trường chỉ là đơn vị mua về nhưng ban lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo khoa Tiếng Trung và Tiếng Nhật kiểm tra kỹ lại và báo cáo việc mua giáo trình”, vị đại diện trường đại học Kinh doanh và Công nghệ khẳng định.
Được biết, giáo trình có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp này là do sinh viên phát hiện và báo lại nhà trường. Cuốn tài liệu có in “đường lưỡi bò” được khoa Tiếng Trung và Tiếng Nhật mua về từ thị trường xuất bản phẩm trong nước, chứ không phải trực tiếp nhập về từ nước ngoài.
Do đó, vị đại diện trường đại học Kinh doanh và Công nghệ cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần phải truy cứu trách nhiệm của nơi nhập sách cũng như cơ quan quản lý nhà nước cho phép nhập sách về.
Trước thông tin về việc để lọt giáo trình có hình ảnh “đường lưỡi bò”, một chuyên gia cho rằng: “Hiện nay, các trường đại học đã được trao quyền tự chủ, thì gắn với tự chịu trách nhiệm. Các trường tự chủ ngày càng cao, nhất là về học thuật, thì giáo trình chỉ là phần rất nhỏ trong việc tự chủ.
Việc sử dụng giáo trình để giảng dạy thế nào do trường quyết định, không thể đẩy trách nhiệm ấy đi đâu được. Đến một cuốn giáo trình còn đổ trách nhiệm, vậy số phận của hàng nghìn sinh viên, trường cũng đẩy trách nhiệm nốt hay sao? Trường thu tiền của sinh viên để giảng dạy và phải có trách nhiệm với sinh viên, nhưng khi bàn tới trách nhiệm, lại không chịu nhận. Như vậy, không có tư cách để giáo dục!”.