Theo thông báo của Trường đại học Gia Định, sinh viên sẽ học trực tuyến một tuần sau lễ, học bù hai ngày nghỉ lễ sớm.
Ông Trịnh Hữu Chung, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Gia Định cho biết quyết định trên được nhà trường đưa ra căn cứ công văn về việc kích hoạt trở lại chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 của UBND TP.HCM; công văn tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và diễn biến của dịch bệnh.
Bên cạnh lý do COVID-19, ông Chung cho biết trường cho sinh viên học trực tuyến sau lễ nhằm giúp các bạn không phải quay lại trường ngay sau lễ. Tình hình tàu xe sẽ đông đúc, giá cả cũng tăng so với bình thường. Do đó việc đến trường một tuần sau lễ sẽ thuận lợi và tiết kiệm hơn cho sinh viên.
Tương tự trường Đại học Giao thông vận tải Tp.Hồ Chí Minh thông báo cho toàn bộ học viên, sinh viên học trực tuyến từ ngày 4 đến hết 13/5. Sau ngày 13/5, các lớp học phần trở lại học trực tiếp bình thường theo lịch giảng dạy.
Trước đó, ngày 25/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trong trường học. Văn bản của Bộ GD&ĐT gửi các Sở GD&ĐT; các Đại học, Học viện, các trường Đại học, Cao đẳng Sư phạm nêu rõ: Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia và Công văn số 2116/BYT-DP ngày 12/4/2023 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19; nhằm tiếp tục chủ động các biện pháp phòng chống và kiểm soát tình hình dịch, không để dịch bùng phát, lây lan trong trường học, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Đặc biệt các đơn vị cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó linh hoạt, hiệu quả đối với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường truyền thông phòng ngừa dịch bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của trẻ em, học sinh, sinh viên, cán bộ, nhà giáo trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo các thành viên trong nhà trường thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch như vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp học, đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ.
Những mốc thời gian quan trọng về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Bộ GD&ĐT tập huấn Quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho các Sở GD&ĐT: Hoàn thành chậm nhất ngày 18/4.
Các Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn Quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ làm công tác thi: Hoàn thành chậm nhất ngày 23/4.
Tổ chức cho thí sinh là học sinh đang học lớp 12 thử đăng ký dự thi (ĐKDT) trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi: Từ ngày 26/4 đến hết ngày 30/4.
Tổ chức cho thí sinh đang học lớp 12 chính thức ĐKDT trực tuyến: Từ ngày 4/5 đến 17h ngày 13/5.
Tổ chức cho thí sinh tự do ĐKDT trực tiếp; nhận Phiếu ĐKDT và nhập dữ liệu của thí sinh vào Hệ thống quản lý thi: Từ ngày 4/5 đến 17h ngày 13/5.
Tổ chức coi thi trong các ngày 28,29 và 30/6. Công bố kết quả thi vào 8h ngày 18/7.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Trúc Chi (theo Tin Tức, Tuổi Trẻ, Chính Phủ)