Sau hơn 10 năm triển khai cơ chế tự chủ đại học theo Nghị quyết 77 của Chính phủ, theo báo cáo từ Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng 150 trường đại học trên cả nước đã thực hiện tự chủ. Trong quá trình này, một trong những thay đổi rõ rệt nhất là sự cải thiện về năng lực tài chính của các trường.
Đặc biệt, từ năm 2018 đến 2023, nhiều trường đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể về tổng thu, trong đó nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng được mở rộng.
Việc tự chủ đã giúp các trường linh hoạt hơn trong việc phát triển các nguồn lực tài chính, không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước mà còn tìm kiếm các nguồn thu khác từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu, và hợp tác quốc tế.
2 năm liên tiếp nằm trong nhóm nghìn tỷ
Theo báo cáo 3 công khai, quy mô đào tạo của trường Nguyễn Tất Thành có tổng số 50 tiến sĩ, 464 thạc sĩ và 32.877 sinh viên chính quy. Trong đó, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau một năm ra trường đầu trên 90%.
Theo tổng hợp của Người Đưa Tin dựa trên báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024, tổng cộng 9 trường đại học có doanh thu nghìn tỷ trở lên bao gồm 6 trường đại học công lập và 3 trường đại học tư thục. Trong đó, Trường Đại học FPT ghi nhận mức tổng thu cao nhất với gần 2.920 tỷ đồng.
Góp mặt trong danh sách trên có Trường Đại học Nguyễn Tất Thành với tổng thu năm học 2023-2024 đạt 1.475 tỷ đồng, tăng 27% so với năm học trước. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp trường đại học này ghi nhận doanh thu trên 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, nguồn thu từ học phí trong năm 2023-2024 đạt 1.454 tỷ đồng, chiếm 98% tổng thu của trường. Trong đó, mức học phí đào tạo đại học tại tại trường đại học ngoài công lập trên ghi nhận tăng ở hầu hết các khối ngành với mức tăng vào khoảng từ 0,6 triệu đồng đến 3,16 triệu đồng.
Riêng có khối ngành VI (nhóm các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe) ghi nhận học phí giảm khoảng 0,7 triệu đồng so với năm học 2022-2023. Đây đồng thời cũng là ngành học có mức học phí đắt đỏ nhất tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, dự kiến một sinh viên muốn hoàn thành chương trình học cả khóa sẽ phải bỏ ra khoảng 311 triệu đồng.
Tuy nhiên, đối chiếu sang biểu mẫu thông tin chất lượng đào tạo thực tế, khối ngành VI - dù có mức học phí cao nhất - lại là nhóm có tỉ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm thấp nhất so với các ngành đào tạo khác tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành với khoảng 90%. Trong khi đó, các nhóm còn lại có tỉ lệ tốt nghiệp từ 91% đến 96%.
Năm học 2022-2023, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thống kê tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường tại tất cả các ngành học (trừ khối ngành I không ghi nhận sinh viên tốt nghiệp) là 100% - tức tất cả sinh viên ở các ngành học đều có việc làm sau khi ra trường.
Bên cạnh đó, trong năm học 2023-2024, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chỉ ghi nhận nguồn thu từ 3 ngành học thạc sĩ (khối ngành III, V và VII), không còn ghi nhận nguồn thu từ khối ngành VI - nhóm từng ghi nhận học phí cao nhất trong các bậc đào tạo năm 2022-2023 với 90 triệu đồng/sinh viên/năm.
Ngoài ra, học phí đào tạo tiến sĩ tại Nguyễn Tất Thành giữ nguyên so với năm học trước ở mức 67,5 triệu đồng/năm.
Bên cạnh nguồn thu từ học phí, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành còn ghi nhận hơn 11,7 tỷ đồng từ nguồn nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và 9,7 tỷ đồng từ các nguồn hợp pháp khác.
Quy mô từ 200 đến gần 34.000 sinh viên theo học
Theo số liệu công bố, năm học 2023-2024, có tổng cộng 32.877 sinh viên theo học hệ đại học chính quy, 464 thạc sĩ và 50 tiến sĩ. Như vậy, tổng quy mô đào tạo của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đạt 33.391 sinh viên, tăng 11% so với năm học trước.
Năm học 2023-2024, Đại học Nguyễn Tất Thành có 2.490 giảng viên cơ hữu, tăng 63% so với năm học trước. Và tất nhiên, con số ghi nhận vào năm học 2023-2024 đã có sự cải thiện cả trăm lần so với quy mô đào tạo ban đầu của trường.
Thuộc nhóm những trường đại học thuộc nhóm tổng thu lớn với hơn 1.000 tỷ đồng, ít ai biết, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành từng đi lên từ một cơ sở giáo dục vỏn vẹn 2 ngành đào tạo với quy mô khoảng 200 sinh viên.
Ngược lại thời gian về Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Công ty Cổ phần Dệt may Sài Gòn, trực thuộc Tổng Công ty Dệt may Việt Nam, đã đưa ra quyết định chuyển đổi chức năng của cơ sở thành trung tâm đào tạo nghề cho công nhân may trong bối cảnh đổi mới là điều bắt buộc.
Năm 2011, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được thành lập theo quyết định số 621/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định này được hiện thực hóa vào năm 1999 với việc thành lập Trung tâm Đào tạo Công nhân may. Đến năm 2002, cơ sở này được nâng cấp thành Trường Trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Bán công Nguyễn Tất Thành.
Qua các giai đoạn phát triển, từ trung tâm đào tạo nghề, lên trường trung cấp rồi trở thành Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành, đến năm 2011, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chính thức được thành lập theo quyết định số 621/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hiện có bốn cơ sở tại các quận khác nhau ở Tp.Hồ Chí Minh. Cơ sở chính tại địa chỉ 300A, quận 4, gắn liền với 25 năm phát triển của trường, gồm một tòa nhà 8 tầng với tổng diện tích sàn gần 25.000m². Năm 2015, cơ sở An Phú Đông (còn gọi là cơ sở 331) được đưa vào hoạt động, với diện tích sàn 35.000m² và tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng.
Cơ sở thứ ba trên đường Nguyễn Hữu Thọ là nơi đào tạo hệ chất lượng cao của Viện Đào tạo Quốc tế, với diện tích 5.000m². Đặc biệt, cơ sở công nghệ cao tại quận 9, TP. Thủ Đức, được đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để phát triển các dự án lớn như Trung tâm phát triển và đào tạo công nghệ cao cùng Công viên Thiên niên kỷ.
Đón đọc >>> Nửa mừng, nửa lo với tổng thu nghìn tỷ của các trường đại học