Những quy định trong dự án luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) vừa được Quốc hội thảo luận cho ý kiến có nhiều quy định được dư luận xã hội quan tâm. Bên hành lang Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực ủy ban Tư pháp của Quốc hội xung quanh dự án Luật này.
PV: Thưa bà, là người đồng tình cao với Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật và thấy rằng, việc ban hành Luật vào thời điểm này đã chín muồi. Bà có thể nói rõ hơn về quan điểm của mình?
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa: Chủ trương, quan điểm xây dựng mô hình phát triển vượt trội đã được đề cập và thông qua tại nhiều kỳ Đại hội Đảng (các khóa VIII, X, XI, XII). Đặc biệt gần đây nhất là Kết luận số 21 của Bộ Chính trị, đó là: Khẩn trương xây dựng luật Đơn vị HCKTĐB với các nội dung, cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Đây là cơ sở Chính trị rất quan trọng, là định hướng đúng đắn của Đảng cho việc xây dựng dự án Luật.
Đơn vị HCKTĐB là một chủ thể đã được Hiến định khá sớm, từ Hiến pháp năm 1992 đến Hiến pháp năm 2013. Và như vậy, cơ sở pháp lý của vấn đề này đã nằm ở tầng cao nhất của hệ thống văn bản pháp luật. Tuy vậy, cho đến nay, vẫn chưa có đơn vị HCKTĐB nào ra đời. Một trong những nguyên nhân đó là chưa có luật quy định cụ thể về vấn đề này và đã đến lúc chúng ta phải cụ thể hóa, hiện thực hóa một quy định mà 25 năm nay chỉ nằm trong Hiến pháp.
Trong lịch sử phát triển của đất nước ta, một số mô hình chính quyền có tính chất đặc biệt cũng đã ra đời, tồn tại và giữ vai trò nhất định trong lịch sử, như khu tự trị Tây Bắc, đặc khu Hồng Gai – Quảng Ninh, đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Bên cạnh đó, một số mô hình phát triển như “khu kinh tế mở”, “khu kinh tế ven biển” đã được triển khai, tuy nhiên, mới ở mức độ sơ khai và quy mô nhỏ, chưa đủ để tạo ra đột phá.
Trên thế giới đã có nhiều mô hình đặc khu kinh tế thành công như Thâm Quyến – Trung Quốc, Đảo Jeju - Hàn Quốc. ..Ở những nước có mô hình thành công này thì đều có văn bản luật điều chỉnh với hành lang pháp lý vững chắc.
Về mức độ sẵn sàng của các địa phương nơi có 3 đơn vị hành chính là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang): “Thực tế cho thấy, hiện nay 3 đơn vị này đã sẵn sàng những điều kiện về cơ sở vật chất, có hạ tầng về giao thông và du lịch như sân bay, cảng biển, khách sạn có thể đi vào hoạt động ngay sau khi được thành lập. Có đơn vị đã và đang có lượng các nhà đầu tư vào tương đối lớn, thu hút một lượng khách du lịch trong nước và quốc tế không hề nhỏ.
PV: Khi thảo luận, nhiều ĐBQH đã băn khoăn về quy định không tổ chức HĐND và UBND tại đơn vị HCKTĐB vì sẽ xảy ra lạm quyền do không có HĐND cùng cấp giám sát. Ý kiến của bà thế nào?
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa: Tôi đồng ý với Phương án 1 của dự thảo Luật – là phương án do Chính phủ trình, đó là không tổ chức HĐND và UBND tại đơn vị HCKTĐB. Thay vào đó, Trưởng Đơn vị HCKTĐB cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ hoạt động trên địa bàn.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, thiết chế này có thể gây ra sự lạm quyền do không có HĐND cùng cấp giám sát. Nhưng theo tôi vẫn có thể thực hiện giám sát chặt chẽ trên địa bàn.
Lý do thứ nhất, việc giám sát được thực hiện từ đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh. Đây là cơ chế kiểm soát quyền lực của cơ quan dân cử từ trên xuống.
Thứ hai, có giám sát trực tiếp của nhân dân thông qua việc tiếp công dân; xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận trên địa bàn cùng sự giám sát của báo chí. Bên cạnh đó, khi thực hiện Chính phủ điện tử, đối với những thủ tục hành chính, người dân có thể giám sát mọi lúc, mọi nơi để xem công việc của mình được triển khai đến đâu.
Thứ ba, người do Thủ tướng bổ nhiệm, Trưởng Đơn vị HCKTĐB còn chịu sự giám sát của Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh.
Với những quy định về giám sát của cơ quan dân cử, giám sát ngang cấp của nhân dân và MTTQ, giám sát từ trên xuống của cơ quan hành chính cấp trên, chúng ta có thể yên tâm là trên địa bàn luôn có sự giám sát quyền lực đối với người đứng đầu đơn vị HCKTĐB.
PV: Thực tế, nhiều vấn đề hiện nay nảy sinh bất cập do chưa quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu dẫn đến tình trạng “công là của tôi nhưng trách nhiệm là của chúng ta”. Bà có tin rằng, với cơ chế giám sát như trên có thể tránh lặp lại việc này ở các Đơn vị HCKTĐB nếu được thành lập?
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa: Ngoài những nội dung kể trên, mô hình Trưởng Đơn vị HCKTĐB còn một số ưu điểm như: Đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Với gần 150 nhiệm vụ, quyền hạn, Trưởng Đơn vị HCKTĐB có rất nhiều thẩm quyền; cùng với đó thì trách nhiệm cũng không ít. Trường hợp có sự vi phạm thì sẽ ngay lập tức tìm được người chịu trách nhiệm, mà không thể trốn tránh dưới vỏ bọc “trách nhiệm tập thể”.
Thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB không phân định thành các đơn vị hành chính cấp dưới, điều này sẽ tạo ra một bộ máy và nhân sự tinh gọn, không có nhiều tầng nấc trung gian.
Vấn đề còn lại là lựa chọn đúng cán bộ. Tôi cho rằng đây là một khâu quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định thành bại của mô hình này. Thủ tướng cần phải chọn được người đứng đầu có tài, có đức, trong sạch, công tâm và nhất là phải có tính sáng tạo, kỹ năng ứng xử với những vấn đề mới phát sinh. Bên cạnh đó, cần có mức lương và chế độ đãi ngộ phù hợp, tương ứng với trọng trách được giao, góp phần phòng ngừa tham nhũng.
Tôi nhất trí với việc cơ cấu tổ chức TAND của đơn vị HCKTĐB tương đương cấp huyện và được bổ sung một số thẩm quyền thuộc TAND cấp tỉnh; cơ quan điều tra, VKSND và cơ quan thi hành án tại đơn vị HCKTĐB cũng được tổ chức tương ứng với TAND.
Tuy nhiên, cần rà soát thật kỹ các văn bản pháp luật về tư pháp xem có vướng mắc gì thì cần dự liệu trước và tìm biện pháp xử lý. Với dự kiến sẽ phát sinh nhiều vụ việc có yếu tố nước ngoài, có tính chất phức tạp; do đó cần quy định có Thẩm phán, Kiểm sát viên cao cấp tại đơn vị HCKTĐB, đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp và luật sư cần được tăng cường về số lượng, chất lượng; có chuyên môn sâu, am hiểu về pháp luật quốc tế, có khả năng nhất định về ngoại ngữ. Đồng thời, trong việc áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, cần tránh xu hướng “hình sự hóa” quan hệ dân sự, kinh tế.
Để bảo đảm không bỏ lỡ thời cơ và đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn đặt ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu kỹ ý kiến ĐBQH, tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách, tiến hành khảo sát, hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ hơn, nhất là về những mặt hạn chế, về việc tăng thu hay giảm thu ngân sách, về việc tác động đến nợ công như thế nào, ảnh hưởng đến môi trường ra sao trên cơ sở đánh giá, phân tích cụ thể từng chính sách kinh tế - hành chính đặc biệt.
Nếu dự thảo Luật được chuẩn bị kỹ, bảo đảm chất lượng thì có thể thông qua tại kỳ họp thứ 5 sắp tới.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!